Hotel Briefing xin chào các bạn.
Hôm nay, tôi xin nói về Michelin Star, một giải thưởng danh giá trong ngành nhà hàng khách sạn do tổ chức Michelin trao tặng. Thật ra tôi đã muốn viết bài blog này từ lâu lắm rồi, không phải đơn thuần vì đam mê của tôi, mà còn vì tôi thấy có ở Việt Nam có khá ít thông tin đúng và đủ cho những bạn yêu nghề tìm hiểu. Các bạn sinh viên và thậm chí các thực khách sành ăn thì chắc hẳn đều đã nghe qua danh xưng Sao Michelin này. Tuy nhiên trong cách báo chí truyền thông và cả cách các đầu bếp quảng bá, có vẻ một bộ phận người Việt Nam có khá nhiều ngộ nhận về giải thưởng này, mỗi lần đọc báo hay xem quảng cáo mà tôi nghe “đầu bếp có 2, 3 sao Michelin…” là tôi thấy rất khó chịu. Cho nên hôm nay quyết tâm chia sẻ kỹ về đề tài này, mời các bạn cùng đọc nhé.
Lưu ý: mỗi tiêu đề là một ngộ nhận, và phần giải thích sẽ nằm bên dưới. Các bạn đừng chỉ đọc mỗi tiêu đề nha, không là hiểu sai hết trơn hết trọi đó.
NGỘ NHẬN 1: SAO MICHELIN TRAO CHO ĐẦU BẾP
Bạn hay nghĩ rằng sao Michelin chỉ dành cho bếp trưởng? Truyền thông đều nói đến đầu bếp này đầu bếp kia có bao nhiêu sao để công nhận họ là những siêu đầu bếp… Tuy nhiên, theo giải thưởng Michelin thì các ngôi sao này không hề được trao cho đầu bếp. Sao Michelin chỉ trao cho nhà hàng dựa trên chất lượng món ăn nhà hàng đó phục vụ. Vì họ cho rằng đây là công sức của một tập thể chứ không phải của bất kỳ một cá nhân nào.
Nhà hàng có thể bị tước mất sao nếu họ không hoạt động trong năm đánh giá, hoặc không giữ được chất lượng như trước. Ngoài ra, nếu đầu bếp làm trong nhà hàng có sao Michelin thì cũng không có nghĩa là khi họ đi nơi khác làm thì mặc định họ cũng được giữ sao. Không phải đâu nha các bạn, xin nhắc lại là Sao là dành cho nhà hàng. Nếu bếp trưởng đi nơi khác làm thì họ phải làm việc cật lực để tìm lại sao cho chỗ làm mới, chứ không được mặc định đem sao từ chỗ cũ qua.
Nói thế này thì hơi đụng chạm, nhưng khi bạn nhìn thấy quảng cáo một nhà hàng ở Việt Nam mời được một đầu bếp có 2-3 sao Michelin sang đây nấu một bữa, họ bán vé cho sự kiện đó, thì bạn nên hiểu, bạn bỏ tiền ra ăn những món trứ danh của đầu bếp đó không có nghĩa là chất lượng bữa tiệc đó là 2-3 sao Michelin, vì bạn đang ăn tại một nơi khác chứ không phải ở chính nhà hàng được trao sao. Tất nhiên, món ăn vẫn có thể rất tuyệt hảo và đáng giá tiền, nhưng vấn đề là bạn cần được biết đúng bản chất sự việc thôi.

NGỘ NHẬN 2: SAO MECHELIN CHỈ DÀNH CHO ẨM THỰC PHÁP
Giải thưởng Michelin chỉ dành cho Ẩm thực Pháp? Đúng là trong ấn phẩm được xuất bản và bán ra đầu tiên của Michelin Guide năm 1920, những khách sạn đầu tiên được nhắc đến là ở Paris. Tuy nhiên, ngày nay, giải thưởng Michelin đã mở rộng ra tới 40,000 nhà hàng khách sạn trên 32 quốc gia, với hàng ngàn chuyên gia phân tích ẩm thực trên toàn thế giới chứ không hề giới hạn trong phạm vi một nền ẩm thực nào. Ví dụ như các bạn có thể tìm thấy đồ ăn Việt Nam tại nhà hàng ở Ý được đưa vào danh sách của Michelin’s Guide.
NGỘ NHẬN 3: MICHELIN CHỈ ĐÁNH GIÁ VỀ CHẤT LƯỢNG MÓN ĂN
Michelin Guide chỉ đánh giá trên chất lượng món ăn, chứ không đánh giá về chất lượng phục vụ hoặc không gian nhà hàng? Điều này đúng nhưng chưa đủ. Biểu tượng Michelin Star (sao Michelin) đúng là chỉ dành cho món ăn và chất lượng món ăn. Còn về chất lượng phục vụ hoặc không gian nhà hàng thì Michelin Guide có bộ tiêu chí đánh giá riêng và họ sử dụng biểu tượng riêng. Như các bạn có thể thấy ở hình minh họa bên dưới, chúng ta có tiêu chuẩn Michelin Star như ai cũng biết, kế đến là về không gian phục vụ, tiếp theo là về chất lượng khách sạn và nhà nghỉ.



NGỘ NHẬN 4: SAO MICHELIN CHỈ DÀNH CHO NHÀ HÀNG FINE DINING
Một ngộ nhận phổ biến nữa là Michelin Star chỉ dành cho nhà hàng Fine Dining đắt tiền. Khởi nguồn là như thế, tuy nhiên ngày nay có rất nhiều những nhà hàng hoặc những quán ăn phục vụ những món ăn ngon, chất lượng ổn định, giá cả phải chăng, nên giải thưởng Michelin đã mở rộng ra đến những mô hình ẩm thực khác nhau. Ví dụ như năm 2016, một quán bán cơm gà ở khu food court ở Singapore (Hawker Chan) đã nhận được giải thưởng 1 sao cho đĩa cơm gà khoảng 35,000 VNĐ.

NGỘ NHẬN 5: NHỮNG CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ CỦA MICHELIN LUÔN LUÔN ẨN DANH
Những chuyên gia phân tích của Michelin luôn là ẩn danh? Không hẳn vậy các bạn nhé. Vẫn có một số dịp mà những chuyên gia của Michelin phải hiện hình để thực hiện việc đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà hàng. Một địa điểm sẽ được đánh giá ẩn danh ít nhất 1 lần trong 18 tháng.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Như các bạn có thể thấy, Michelin Star là một hệ thống đánh giá phức tạp và có lịch sử lâu đời, nên khi nhà hàng nào được nêu tên trong danh sách thì đó là một niềm vinh hạnh rất lớn. Nhưng khổ nỗi, cho dù bạn có rất nhiều tiền và nguồn lực, bạn cũng chưa chắc xây dựng nên một nhà hàng “sinh ra để thắng giải” Michelin. Vì sao, vì thật sự bạn không thể nào biết được các tiêu chí đánh giá của các chuyên gia trong Michelin Guide. Michelin Guide không hề công bố list tiêu chí cụ thể làm sao một nhà hàng sẽ đạt được những ngôi sao danh giá này.
Bộ phim tài liệu “Michelin Star Madness for Perfection” của đài BBC, 2012 cũng đã có nhắc đến điểm này:
“When it comes to cooking, Michelin has been generally a good opportunities, but when it comes to creating a restaurant you want to go through, it has not a clue”.
“Khi nấu ăn để đạt được sao Michelin star thì bạn có cơ hội tốt, tuy nhiên để tạo 1 nhà hàng đạt sao , bạn không có bất kỳ 1 hướng dẫn cụ thể nào”
Kết cục, tập thể nhà hàng chỉ có thể không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực và sáng tạo hơn nữa, với hy vọng một ngày nào đó họ được vinh danh. Suy cho cùng, không phải cứ có một món ăn xuất chúng hay một nhà hàng độc nhất vô nhị thì sẽ đạt sao Michelin , mà chính việc luôn luôn học hỏi và nỗ lực mới là điều đáng được ghi nhận nhất, không phải sao?
Link đến media kit và thông tin tổng quan của các đầu báo, tạp chí:
- https://guide.michelin.com/en/about-us
- https://guide.michelin.com/en/article/features/5-myths-about-the-michelin-guide-debunked .
- https://guide.michelin.com/en/to-the-stars-and-beyond
- https://guide.michelin.com/en/lombardia/milano/restaurant/vietnamonamour
- https://guide.michelin.com/en/rio-de-janeiro-region/rio-de-janeiro/restaurant/mee
Để nhận thông báo về những bài viết mới nhất của Hotel Briefing Blog, vui lòng để lại email của bạn vào ô bên dưới:
[…] phải nhà hàng nào có Michelin Star cũng là fine dining. Bạn có thể đọc thêm về Những ngộ nhận về Michelin Star để hiểu rõ hơn […]
ThíchThích