Sơ lược về quản lý doanh thu của rạp chiếu phim – phần 1: Những nguồn doanh thu chính

Hotel Briefing xin quý độc giả, chào mừng các bạn quay trở lại với chuyên mục Revenue của blog nha. Những bài trước chúng ta đã nói nhiều về khách sạn, resort rồi, hôm nay, chúng ta sẽ bàn đến hoạt động quản lý doanh thu của cụm rạp chiếu phim, cũng là một nhánh trong ngành dịch vụ.

Lý do tôi chọn viết bài này là vì mảng rạp chiếu phim cũng là một mảng đang khá phát triển ở Việt Nam, nhưng khi research thì hầu như chưa có nơi nào chia sẻ nhiều về nó cả, mặc dù việc vận hành rạp sao cho tối đa hóa doanh thu cũng có rất nhiều điều hay ho thú vị để học hỏi. Cho nên hôm nay viết bài này, hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn yêu thích và muốn tìm hiểu và phát triển sự nghiệp về quản lý rạp chiếu phim nhé.

Bài viết này trước tiên sẽ giới thiệu những khái niệm cơ bản, cách rạp chiếu phim kiếm tiền và qua đó, bàn về những cách maximize doanh thu của cụm rạp. Bài sẽ hơi dài nên tôi chia chúng thành hai phần ngăn ngắn cho các bạn dễ đọc. Phần hai sẽ được Hotel Briefing publish trong vài ngày tới, hy vọng mọi người đón đọc nhé.

1. NHỮNG THUẬT NGỮ CĂN BẢN

Trước hết, chúng ta cần biết một số định nghĩa để có thể hiểu thêm về hoạt động của ngành công nghiệp điện ảnh. Các bạn lưu ý là trong bài viết này chúng ta sẽ dùng nhiều từ “cụm rạp” ( từ gốc là cineplex, từ cinema và complex ghép lại với nhau) chứ không phải là rạp (cinema) nha. Khác nhau là: trong cụm rạp sẽ có nhiều phòng chiếu, còn rạp thì chỉ có 1 phòng chiếu. Thời trước ở Việt Nam chỉ có các rạp Thăng Long, Đống Đa chỉ có 1 hoặc 2 phòng chiếu thôi. Từ những năm 2000 trở đi thì bắt đầu có Cinebox, rồi Galaxy, rồi bắt đầu từ khi có CGV (tiền thân là Megastar) hoặc Lotte Cinema thì chúng ta mới có các cụm rạp tiêu chuẩn quốc tế. Và trong chuỗi bài viết này, chúng ta sẽ bàn đến cụm rạp thôi nhé, do cụm rạp mới có đủ quy mô để áp dụng các chiến thuật quản trị doanh thu một cách hiệu quả và đầy đủ nhất.

  • Theater: Những cụm rạp hay rạp chiếu như Cinebox, Galaxy, CGV, Lotte những nơi mà chúng ta đi xem phim đều chỉ là điểm chiếu phim (theater) trong quy trình hoạt động của công nghiệp phim ảnh.
  • Film distributor: Những theater này đa phần đều phụ thuộc, chung tập đoàn hoặc được sở hữu bởi nhà phát hành phim (film distributor). Nhà phát hành phim sẽ thuê hoặc mua lại phim từ nhà sản xuất phim (film producer) sau đó phim sẽ được chuyển giao cho rạp để trình chiếu cho khán giả. Một số Film distributor ở Việt Nam: Faflim Việt Nam, Galaxy, CJ Entertainment, BHD… Những nhà phát hành phim như Galaxy và BHD đều trực tiếp sở hữu hệ thống rạp chiếu của riêng mình. Bên cạnh đó, CJ Entertainment là công ty chung tập đoàn với hệ thống CGV, đơn vị sở hữu nhiều rạp phim nhất ở Việt Nam (84 cụm rạp tính tới thời điểm tháng 1/2020), còn Fafilm Việt Nam chỉ có 1 rạp chiếu phim nằm tại Hà Nội.
  • Film producer: Nhà sản xuất phim là người bỏ tiền ra đầu tư phim và thu lời bằng việc bán và cho thuê phim. Bán ở đây có nghĩa là bán đứt phim cho nhà phát hành, còn cho thuê là nhà phát hành chỉ được quyền chiếu phim trong một khoảng thời gian nhất định mà hai bên quy định trong hợp đồng. Các nhà sản xuất phim tiêu biểu: Walt Disney, Marvel Studio, Universal, Sony
CGV là đơn vị sở hữu nhiều cụm rạp nhất ở Việt Nam

3 bên này, ai hưởng bao nhiêu trên tiền vé?

Trên kinh nghiệm làm việc thực tế của tôi, rạp chiếu phim chỉ giữ được 30%-40% trên tiền vé bán được, phần còn lại là tiền của nhà phát hành phim và nhà sản xuất phim. Hai bên đó (nhà phát hành và nhà sản xuất) có tỉ lệ thỏa thuận ăn chia với nhau riêng, và có thể khác nhau theo từng phim, từng sự thỏa thuận chứ không có công thức chung. Nói cho dễ hiểu, một cái vé 100,000 VND thì rạp được giữ cỡ 30,000 VND thôi, phần còn lại là của hai ông phát hành và sản xuất với tỉ lệ riêng.

Đã từng có thông tin rằng tỉ lệ giữa hai bên: nhà phát hành và nhà sản xuất của một market leader tại Việt Nam là 55/45: nhà phát hành (có sở hữu cụm rạp) lấy 55% doanh thu vé, nhà sản xuất lấy 45%. Bạn có thể tham khảo nguồn tại đây. Bạn lưu ý, con số 55% doanh thu của phát hành mà bài báo nói là đã tính luôn phần của cụm rạp thuộc sở hữu của nhà phát hành đó đó nha, tức là thay vì 3 bên như tôi giải thích phía trên thì bài báo gom thành 2 bên: (nhà phát hành + cụm rap) – nhà sản xuất.

Một cái vé 100,000 VND thì rạp được giữ cỡ 30,000 VND thôi, phần còn lại là của hai ông phát hành và sản xuất với tỉ lệ riêng.

2.DOANH THU CỦA CỤM RẠP ĐẾN TỪ ĐÂU?

“Ủa rạp chiếu phim thì kiếm doanh thu từ việc bán vé chứ từ đâu nữa?”

Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy cho đến khi bước chân vào làm, và ngã ngửa khi biết thực chất nếu xét theo tỉ trọng thì cụm rạp kiếm tiền từ những thứ khác nhiều hơn tiền bán vé nhiều. Tôi sẽ điểm qua thứ tự từ nhiều nhất đến ít nhất ở bên dưới nhé, các bạn lưu ý đây là dựa trên kinh nghiệm làm việc của riêng tôi tại một cụm rạp trong thành phố Hồ Chí Minh. Tùy từng cụm rạp, vị trí tọa lạc, vị trí địa lý và khả năng của ban quản lý rạp mà mỗi rạp có thể có những nguồn revenue khác nhau và tỉ trọng khác nhau nhé.

2a. Bán quảng cáo (preshow)

Như tôi chia sẻ ở trên, phần lớn tiền bán vé xem phim đa phần sẽ thuộc về nhà sản xuất và phát hành, nên rạp sẽ phải tìm nguồn doanh thu khác đó là quảng cáo đầu giờ (từ gốc là Preshow). Tuy gây một ít khó chịu cho khách hàng, nhưng đây là nguồn thu lớn nhất cho rạp phim đấy. Một slot quảng cáo 30s/suất/rạp nếu book dưới 3 tháng thì có giá dao động khoảng 180,000vnđ. Nghe có vẻ rẻ nhỉ, nhưng hãy nhân lên thử xem sao nhé.

Ví dụ: giả sử trung bình một ngày một rạp phim chiếu được khoảng 6 suất, trung bình một suất phim có thể chiếu 10 slot quảng cáo, trung bình 1 cụm rạp có 5 rạp phim, chúng ta có 10 slot*6 suất*5 rạp = 300 lần quảng cáo được chiếu mỗi ngày tại 1 cụm rạp. Đem nhân với giá 1 slot quảng cáo 300*180,000= 54,000,000 ‬VND/ ngày/ cụm rạp. Nếu đem doanh thu ngày này nhân cho 84 cụm rạp của CGV chẳng hạn, và nhân cho 30 ngày thì một tháng có thể kiếm được 136 tỷ đồng đấy.

Mà các bạn cũng đừng vội chỉ trích tại sao các hệ thống cụm rạp lại kiếm được doanh thu có vẻ khủng khiếp như vậy. Thực ra nếu không có nhiều tiền từ doanh thu quảng cáo ở cụm rạp thì các nhà phát hành không có đủ tiền thuê phim bom tấn từ các nhà sản xuất về chiếu cho thị trường đang phát triển như Việt Nam chúng ta đâu các bạn ạ.

Giá bán quảng cáo trong rạp cũng dao động theo nhiều tiêu chí khác nhau:

  • Thời gian: mùa hè, mùa Tết, ngày lễ public holiday,…
  • Thời điểm bạn đăng quảng cáo trước khi phim chiếu. Quảng cáo càng sát giờ chiếu phim thì sẽ càng có đơn giá cao hơn
  • Sự phổ biến của cụm rạp: rạp ở trung tâm các thành phố lớn, rạp ở vùng ven, rạp có nhiều rạp đặc biệt (rạp 3D, rạp Imax, rạp Starium, rạp Dolby Atmos,…)
  • Thời lượng của quảng cáo: 5s, 10s, 15s, 30s, 45s, 60s
  • Thời hạn đăng quảng cáo: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng

Khách hàng book quảng cáo sẽ chọn: thời lượng quảng cáo, thời hạn đăng quảng cáo, loại rạp (2D, 3D, Imax…) và khi đó sẽ nhận được đơn giá của slot quảng cáo họ mong muốn.

Preshow – quảng cáo đầu giờ ở rạp chiếu phim

2b. Concession (Bắp rang, nước ngọt, đồ chơi…)

Không như giá vé xem phim khi rạp chiếu chỉ nhận được phần ít hơn, việc bán thức ăn đồ uống trong rạp đem lại nguồn doanh thu to lớn cho cụm rạp vì họ được giữ lại 100% doanh thu. Giá của một combo bắp rang + nước đã gần bằng một cái vé xem phim luôn (ở CGV một combo bắp nước rơi vào tầm 100,000 VND) trong khi giá vốn của những món ăn uống này chỉ chiếm chừng 5% trên giá bán. Tức là, bán một combo bắp+nước giúp rạp kiếm ngay tức thì 95,000 VND lợi nhuận, trong khi bán vé thì chỉ thu về 30,000 VND – 40,000 VND.

Concession đem lại nguồn doanh thu to lớn cho cụm rạp

Để có thể tăng doanh thu hơn nữa thì bên nhà phát hành có ra mắt các combo theo phim. Thường là ly nhựa và vài mẫu topper, đôi khi là ly giữ nhiệt, đôi khi kèm theo móc khóa. Cái này là dành cho fan đi sưu tập là chính nên giá cũng cao hơn combo bình thường một chút. Ở đâu cũng có nhé, chứ không chỉ ở Việt Nam đâu nha các bạn.

Ví dụ một combo theo phim Avengers

2c. Tiền vé

Khoản tiền vé thì như tôi đã giải thích phía trên ha. Không như giá phòng khách sạn hay giá vé máy bay có thể thay đổi từng ngày từng giờ, giá vé xem phim hầu như cố định trong cả năm. Sự phân loại cũng khá đơn giản: chúng ta có giá khác nhau giữa vé thường và vé hàng VIP, vé ghế couple, giữa ngày trong tuần và ngày cuối tuần. Ngoài ra, vé có thể thấp hơn khi được mua số lượng lớn, như là mua group cho công ty hoặc bao cả rạp cho event cá nhân.

2d. Cho thuê rạp

Ngoài ra, cụm rạp còn có thể cho thuê các khu vực khác của rạp để tăng doanh thu, dễ thấy nhất là ở các khu vực công cộng. Ví dụ, ở CGV Landmark 81 chúng ta có thể thấy có khu chơi gắp thú, khu chơi vòng quay may mắn, khu vực trong toilet cũng có thể sử dụng để quảng cáo. Khá nhiều nhãn hàng cũng đặt quầy hoặc standee tại rạp chiếu phim, thường là các nhàn hãng FMCG, sữa hoặc nhãn hàng điện tử, điện máy.

3. TRÁCH NHIỆM CỦA CINEMA MANAGER TRONG QUẢN TRỊ DOANH THU

Trong bốn nguồn doanh thu của cụm rạp mà tôi đã nói đến phía trên, phần bán quảng cáo trong rạp và phần cho thuê không gian trong rạp thì đa phần sẽ có một đội Sales chuyên biệt của tập đoàn phụ trách, ở phía cụm rạp thường ít involve vào. Người quản lý rạp sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp ở hai mục chính: doanh thu bán vé bán concession nha.

Trên thực tế ở cụm rạp không có vị trí Revenue Manager, mà người Cinema Manager đứng đầu cụm rạp sẽ chịu trách nhiệm maximize doanh thu của cụm rạp mình. Tức là, họ vừa phải quản lý việc vận hành rạp vừa phải có tư duy kinh doanh, có khả năng đọc và phân tích số liệu báo cáo kết quả kinh doanh thì mới có thể làm tốt được.

Phần 1 của chủ đề quản lý doanh thu của rạp chiếu phim đến đây là hết rồi. Bài sau, chúng ta sẽ bàn về những tính chất đặc thù của rạp chiếu phim, xét trên phương diện revenue management nha. Bài viết phần 2 cũng sẽ đề cập đến những vấn đề như “rạp phim chèn ép phim Việt” và cho lời khuyên về career path của mảng cinema management này. Mời mọi người đón đọc phần 2 và hãy liên hệ Hotel Briefing nếu có thắc mắc nào nhé.


Nguồn tham khảo:


Cùng dòng chuyên mục này, các bạn có thể tham khảo các bài viết sau:

One comment

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.