Chào mừng các bạn quay trở lại với Hotel Briefing Blog, nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của ngành nhà hàng khách sạn tại Việt Nam. Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục với chuyên mục Các câu hỏi thường gặp từ sinh viên, và sẽ bàn về việc “Nên học ngành hospitality ở nước ngoài hay ở Việt Nam?” Đây cũng mà một trong những phân vân hàng đầu của các bạn trẻ đang tìm hiểu về ngành. Mời các bạn cùng đọc nhé!
Trước tiên, Hotel Briefing sẽ phân tích một số ưu điểm của từng phía cho các bạn dễ hình dung và so sánh, sau đó chúng tôi sẽ đưa ra lời khuyên dành cho các bạn vào cuối bài nha.
LỢI THẾ CỦA VIỆC DU HỌC
Lưu ý: Hotel Briefing sẽ không bàn cụ thể đến việc nếu du học thì nên du học ở nước nào và trường nào, vì việc này còn tùy kinh tế của từng gia đình và lựa chọn cá nhân của từng học sinh.
Ngành hospitality của chúng ta là ngành đặc thù, cần được trang bị nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng mới có thể làm tốt được. Mà nếu bàn về kiến thức và kỹ năng thì các trường quốc tế thực sự đem đến cho sinh viên sự chuẩn bị tốt hơn, vì những yếu tố nổi bật sau đây:
1.Môi trường học
Một trong những lợi ích to lớn nhất của việc du học chính là môi trường. Bạn được sống và học tập trong một môi trường hoàn toàn mới, và bắt buộc sử dụng ngoại ngữ. Nhiều bạn có thể argue rằng cũng có những trường đại học ở Việt Nam giảng dạy bằng tiếng Anh, đúng vậy, nhưng hãy tin tôi là mức độ bắt buộc sử dụng ngoại ngữ ở những tại Việt Nam không thể cao bằng khi bạn đi du học. Vì sao? Bạn ở Việt Nam, nếu bài giảng bằng tiếng Anh có gì khó hiểu, bạn hoàn toàn có thể trao đổi bằng tiếng Việt với thầy cô bạn bè. Còn ở nước ngoài, dù là trong lớp học hay sinh hoạt ngoài xã hội, thì ngoài các bạn đồng hương Việt Nam ra, bạn bắt buộc phải sử dụng ngoại ngữ: học tập, thuyết trình, làm việc nhóm, trò chuyện hàng ngày, thậm chí tranh cãi… Sử dụng nhiều thì thành thạo, các bạn du học sinh sẽ tự động có khả năng diễn giải bản thân bằng tiếng Anh tốt hơn. Đó là chưa kể đến việc một số nước như Thụy Sỹ sẽ bắt buộc bạn học thêm một ngoại ngữ phụ nữa (tiếng Pháp hoặc Đức), và nếu bạn thực tập tại Thụy Sỹ thì cũng sẽ phải sử dụng ngoại ngữ này khi đi làm và sinh hoạt ngoài xã hội. Khả năng về ngoại ngữ của bạn sẽ có cơ hội phát triển, và biết 2 ngoại ngữ khác nhau cũng làm tăng thế mạnh của bạn hơn khi bạn bắt đầu sự nghiệp và tìm việc làm trong ngành đấy.
(Tất nhiên, việc đi học xa cũng giúp bạn có khả năng tự lập, rất tốt cho việc phát triển thế giới quan của bạn, việc này thì rõ ràng quá rồi, chúng ta không bàn luận chi tiết nhé).
2. Thời gian thực tập bắt buộc dài hơn
Các trường ở nước ngoài chú trọng thực tập, thực hành; nên thường trong chương trình học sẽ bao gồm thời gian thực tập bắt buộc khoảng 6 tháng/ học kỳ. Nói chung,trong 3 năm học thì tổng thời gian thực tập bắt buộc của bạn sẽ là khoảng 12 tháng. (Truyền thống này bắt nguồn từ những trường đào tạo ngành hospitality đầu tiên ở Thụy Sỹ, nơi được xem là cái nôi của ngành quản trị khách sạn; xem thêm trong bài viết Lịch sử hình thành ngành Hospitality.)
Việc sinh viên phải bắt buộc thực tập trong thời gian minimum 4-6 tháng/ lần theo chúng tôi là rất quan trọng; vì nó đủ lâu để đảm bảo được rằng sinh viên sẽ có thời gian để thực hành các nhiệm vụ một cách thuần thục và thực sự học được gì đó. Tại sao lại nói như vậy? Nói đơn giản thì: bạn có thể chỉ mất một hai tuần để bưng bê phục vụ khách của nhà hàng cho rành rẽ, nhưng sẽ cần thời gian lâu hơn để: thực sự biết cách quan sát, hình thành tư duy về ngành, hiểu rõ bản chất và tầm quan trọng của công việc, chúng kết nối và ảnh hưởng đến các bộ phận khác ra sao…Nếu bạn thực tập ở bộ phận văn phòng như Sales & Marketing, sẽ tốn kha khá thời gian để học và được làm các tasks nhỏ trước khi được sếp giao task to hơn, project quan trọng hơn. Cuối cùng, thực tập 6 tháng còn cho bạn cơ hội xin thử sức qua nhiều hơn một bộ phận nữa mà vẫn đủ thời gian để thực hành và học hỏi.
Ở phía ngược lại, thời gian thực tập cam kết của sinh viên dài hơn sẽ khiến sếp phòng ban của bạn cũng bớt e ngại khi nhận thực tập sinh hơn. Vì nếu thời gian thực tập ngắn như 2-3 tháng, họ sẽ phải mất công sức train và chỉ dạy cho sinh viên, nhưng đợi đến khi bạn thực sự cứng cáp có thể được tin tưởng và giao việc ổn thì lại là lúc kỳ thực tập sắp kết thúc và họ lại phải nhận trainee mới, bắt đầu lại từ đầu. Tôi đã từng từ chối nhiều đơn xin thực tập 2 tháng, và ngày xưa khi tôi đang là thực tập sinh 6 tháng, đã từng chứng kiến các anh chị trong phòng ban cho các bạn thực tập sinh 2-3 tháng ngồi chơi, không giao việc và cũng không chỉ dạy gì nhiều; đơn giản và vì mất công và mất thời gian cho họ trong khi công việc đã đủ bận và áp lực rồi.
Tôi thấy nhiều trường đại học ở Việt Nam quy định thời gian thực tập có 2-3 tháng thôi, điều này thực sự không tốt bằng các trường nước ngoài có thời gian thực tập bắt buộc dài hơn.
3. Chương trình đào tạo chuyên sâu
Ở Thụy Sỹ thì ngoài chương trình đào tạo quản trị nhà hàng khách sạn tiêu chuẩn, một số trường còn đi sâu vào dạy nâng cao và đào tạo chuyên sâu một mảng chuyên biệt trong hospitality. Ví dụ:
- Trường IHTTI: dạy về design nhà hàng khách sạn
- Trườn César Ritz và SHMS: dạy chuyên về du lịch, vận hành, quản lý nhà hàng khách sạn
- Trường Culinary Arts Academy: dạy chuyên về bếp
- Trường HIM: dạy chuyên về kinh doanh trong ngành Hospitality.
Lợi thế của những chương trình này là bạn sẽ có kiến thức nâng cao và chuyên sâu, chú trọng đi hẳn theo một nhánh cụ thể trong ngành hospitality như design khách sạn, bếp… Nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi, cho dù bạn học chương trình tiêu chuẩn cũng đã có kiến thức và chuyên môn đủ để làm nghề, nhất là làm nghể tại Việt Nam bạn nhé!
LỢI THẾ CỦA VIỆC HỌC TẠI VIỆT NAM
Các bạn đừng sớm nghĩ rằng học tại Việt Nam toàn là thua thiệt, thật ra nó cũng có những mặt lợi của nó, cụ thể như sau:
1.Chi phí hợp lý
Việc học ngay tại Việt Nam không hề đắt đỏ khi chi phí khá ổn và hợp lý, phù hợp với nhiều gia đình Việt Nam, điều này chắc hẳn đã quá rõ ràng. Hiện nay, ngành hospitality đang được đào tạo rộng rãi tại các thành phố lớn ở nước ta, bạn sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tìm thông tin về trường nơi mình muốn theo học. Nhờ ngày càng có nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành hospitality mà Việt Nam đã “cho ra lò” được một bộ phận lực lượng lao động, phần nào đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong ngành nhà hàng khách sạn nước ta.
2. Các khóa chứng chỉ ngắn hạn
Một điều lợi thế nữa là ở Việt Nam bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhiều nơi đào tạo các khóa học nghiệp vụ ngắn hạn về Bar, Barista, Front Office, Housekeeping, Bếp… với thời gian học linh hoạt và chi phí dễ chịu; thích hợp cho các bạn vừa học đại học vừa tham gia lấy chứng chỉ. Chỉ mất chừng 2 tháng là bạn đã có kiến thức căn bản, làm được các việc basic… nhằm phục vụ cho ý định làm thêm hoặc đơn giản là trải nghiệm xem mình có thích bộ phận đó hay không. Những trường dạy nghề có tên tuổi là Saigon Tourist, Á Âu… các bạn có thể tự tìm hiểu thêm nha.
3. Sâu sát với thực tế
Theo chúng tôi, lợi ích to lớn nhất của việc học tại Việt Nam là các bạn tiếp xúc sâu sát với thực tế ngành, thực tế cộng đồng của môi trường nhà hàng-khách sạn tại Việt Nam. Những case study, ví dụ thực tế, bài tập, project… ngay trong trường học sẽ tập trung vào Việt Nam, đi thực tập bạn cũng sẽ đến những công ty ngay tại Việt Nam, điều này giúp các bạn đỡ bị bỡ ngỡ hơn sau khi ra trường. Trừ trường hợp bạn nào có kế hoạch đi du học và định cư luôn ở nước ngoài thì chúng tôi không bàn tới, chứ đa phần các bạn du học sinh sau khi học xong sẽ quay về sinh sống và làm việc tại quê hương, đúng không nào? Ngành hospitality và môi trường nhà hàng- khách sạn tại Việt Nam chắc chắn khác với các nước châu Âu, Mỹ hay Singapore, từ cách các khách sạn, nhà hàng, quán bar… được vận hành cho đến tiêu chuẩn, văn hóa, con người… Cho nên, việc bạn phần nào quen thuộc và hòa nhập nhanh hơn vào môi trường làm việc tại Việt Nam, có sẵn kiến thức ngành tại Việt Nam như vậy cũng giúp ích cho bạn khi bạn tốt nghiệp và bắt đầu bước đi trên con đường sự nghiệp của riêng mình đấy.
LỜI KHUYÊN DÀNH CHO CẢ DU HỌC SINH & SINH VIÊN HỌC TẠI VIỆT NAM
Qua những điều phân tích ở trên, chúng tôi hy vọng bạn có thể hiểu rằng học ở nước ngoài hay ở Việt Nam đều có mặt tốt của nó, và quan trọng hơn hết là chúng ta phải nhận ra những hạn chế của việc học ở nước ngoài/ tại Việt Nam mà khắc phục, để bản thân hoàn thiện hơn.
- Các bạn chọn học tại Việt Nam hãy tự ép mình rèn luyện tiếng Anh sao cho thật tốt bằng mọi cách, và nếu có thể, tự học thêm một ngoại ngữ nữa. Thêm nữa, các bạn có thể consider xin thầy cô cho mình thực tập dài hơn quy định, ít nhất là 4 tháng nếu có thể.
- Các bạn du học sinh có thể chọn thực tập tại Việt Nam một lần thay vì chỉ chọn thực tập tại nước ngoài để xây dựng cho mình sự quen thuộc với môi trường nhà hàng-khách sạn tại Việt Nam.
- Các bạn sinh viên nên giữ connection của nhau, dù bạn du học hay học tại Việt Nam bạn nhé, đây sẽ là tiền đề để bạn xây dựng network của riêng mình đó!
Nếu cho tôi lựa chọn thì chúng tôi recommend các bạn hãy du học nếu điều kiện cho phép, để có thể phát triển bản thân về ngôn ngữ, về sự cứng cáp độc lập, sự chuyên nghiệp mà nền giáo dục và đào tạo hospitality của nước ngoài mang lại. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ khuyên các bạn phải song song xây dựng tư duy về ngành, nhất là kiến thức kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam, và chọn thực tập tại Việt Nam ít nhất một lần trong suốt quá trình học.
Kể cho các bạn nghe, một trong những nhân viên cấp dưới xuất sắc nhất của tôi là một bạn học hoàn toàn tại Việt Nam, nhưng rất cố gắng đi làm thêm, thực tập và làm part time…; trong khi một bạn du học sinh nước ngoài khác lại có thái độ làm việc không tốt và không chịu học hỏi, đến mức tôi đã đề nghị bạn chấm dứt kỳ thực tập sớm.
Học ở đâu cũng vậy, đó chỉ là một bệ phóng, một tiền đề giúp bạn trong giai đoạn đầu sự nghiệp, còn bạn đi xa đến đâu là ở khả năng, thái độ và tư duy của bạn. Mà những điều này phải do bạn tự mình phát triển, chứ không bằng cấp hay sách vở nào thay thế được.
Bài viết hôm nay đến đây là hết rồi, hẹn các bạn ở bài viết tiếp theo, bàn về kỳ thực tập của sinh viên nhé. Chúc mọi người một ngày tốt lành.
Xin chân thành cảm ơn các anh chị đồng nghiệp đã giúp Hotel Briefing hoàn thành bài viết này:
- Chị Phương Anh – Former Director of Sales & Marketing khách sạn Park Hyatt Saigon – Cố vấn của Hotel Briefing Blog, xem thêm thông tin chi tiết về ban cố vấn tại đây.
Cùng dòng chuyên mục này, các bạn có thể tham khảo các bài viết sau:
Các hình thức phân loại khách sạn (Classification of Hotels)
Các loại hình Resort và những điều bạn cần lưu ý khi làm việc tại Resort