Chào mừng mọi người quay trở lại với Hotel Briefing Blog. Cuối năm quả là thời điểm bận rộn đối với ngành Hospitality của chúng ta phải không nào. Tiếp theo bài “Các hình thức phân loại khách sạn”, một trong những bài viết có lượt xem cao nhất của Hotel Briefing, hôm nay tôi sẽ chia sẻ thêm về một số hình thức sở hữu khách sạn “không toàn phần” mà bạn nên biết.
Khi nghĩ đến việc sở hữu một khách sạn, hiểu lầm thường thấy là các bạn cho rằng phải đầu tư xây nguyên một khách sạn lớn thì mới có thể gọi là sở hữu. Thế nhưng chúng ta, những cá nhân, vẫn có thể sở hữu một phần của khách sạn dưới nhiều hình thức khác nữa, và những hình thức này ít phổ biến hơn so với các loại hình khách sạn thông thường.
Chúng ta cùng tìm hiểu cụ thể hơn nhé!
1. Timeshare hay Vacation Ownership Resort:
Timeshare được dịch trong tiếng Việt là chia sẻ thời gian. Vacation Ownership được hiểu là sở hữu kỳ nghỉ. Hai khái niệm này đồng nghĩa với nhau. Để giải thích thì chúng ta sẽ bắt đầu từ một năm có 52 tuần. Khi tham gia timeshare bạn sẽ có được 1 tuần trong năm đó để nghỉ dưỡng tại một trong các resort thành viên của tổ chức timeshare; 51 tuần còn lại sẽ dành cho các du khách khác có Vacation Ownership giống bạn. Khi tham gia timeshare bạn sẽ phải trả hết phí từ lúc đầu thời gian thường khoảng 7 đến 10 năm, có khi hơn. Ví dụ giá của resort đó là $50/đêm, thời gian các bạn được hưởng là 1 tuần/năm tương đương với $350, khi tham gia 10 năm thì số tiền bạn phải trả sẽ là $3,500.
Thông thường giá của Resort sẽ thay đổi theo năm, và thường là chỉ có tăng chứ hầu như không có giảm, nên đứng trên phương diện khách hàng thì khách hàng có vẻ được lợi khi tham gia Timeshare hoặc Vacation Ownership vì mình đã trả trước rồi. Đến thời điểm đó chỉ book và ở thôi, không cần quan tâm về giá tại thời điểm tương lai.
Đa phần các khách sạn hoặc Resort dạng chuỗi đều có timeshare để tăng tính đa dạng cho sản phẩm của họ. Vì hằng năm mà cứ ghé một chỗ thì rất chán, nếu được thay đổi đia điểm thì ngầu hơn. Ví dụ khi tham gia Timeshare của Marriot Vacation Club, mỗi năm bạn có thể chọn nghỉ dưỡng ở bất kì một trong các Resort của tổ chức này. Timeshare đã xuất hiện từ những năm 1960 và trở nên phổ biến trên thế giới. Đến năm 2009 Timeshare xuất hiện tại các dự án ở Việt Nam như SeaLinks City (Mũi Né) hoặc Ninh Van Bay Holiday Club. Timeshare không chỉ xuất hiện ở khách sạn và resort mà còn xuất hiện ở một số hình thức Luxury Service khác ví dụ như Du thuyền cá nhân. Nếu bạn không đủ khả năng để mua một chiếc du thuyền, bạn có thể share với 51 người còn lại để cùng sở hữu nó.
Timeshare có khá nhiều option khi tham gia, các bạn có thể chọn:
- Fixed week: Tức là các bạn mua cố định tuần đó. Cứ đúng tuần đó các bạn sẽ được ở tại Resort đã chọn.
- Floating week option: Các bạn được phép mua một tuần trong một khoảng thời gian cố định. Ví dụ như các bạn chọn mua một tuần trong thời gian từ tuần thứ 8 của năm đến tuần thứ 14 của năm.
- A combination option: Hình thức này cho phép các bạn được chọn tuần cố định trong mùa cao điểm hoặc được phép chọn tuần trong mùa thấp điểm.

2. Condominium Hotels (Condotel):
Có thể các bạn đã nghe thuật ngữ này qua từ sự kiên CocoBay ở Đà Nẵng. Vậy thì Condotel có khác gì với Timeshare hay không? Câu trả lời là Condotel khác hoàn toàn với Timeshare nha. Condotel khác ở chỗ là bạn đầu tư vào một phòng trong toàn dự án của Resort hoặc Hotel, sau đó cho chủ đầu tư thuê lại để kinh doanh và các bạn kiếm lời từ việc cho thuê đó. Chủ đầu tư có thể tự kinh doanh hoặc thuê công ty quản lý khách sạn để quản lý và kinh doanh dự án đó. Hằng năm, công ty quản lý sẽ báo cáo cho chủ đầu tư về tình hình kinh doanh của dự án, chủ đầu tư có nghĩa vụ báo cáo lại cho chủ sở hữu và chia sẻ lợi nhuận với chủ sở hữu trên cơ sở đã thỏa thuận từ trước. Điểm tương đồng của Condotel với Timeshare là bạn, với tư cách chủ sở hữu (1 phòng), có thể lưu trú trong một khoảng thời gian nhất định.
Đối với các nhà đầu tư vào dự án Condotel thì họ sẽ quan tâm các điểm sau:
- Chủ đầu tư có uy tín hay không?
- Chủ đầu tư có kinh nghiệm quản lý khách sạn hay không? Nếu không, có thuê công ty quản lý khách sạn hay không?
- Công ty quản lý khách sạn có kinh nghiệm quản lý khách sạn resort hay không?
Các bạn có thể tham khảo thêm một số dự án Condotel như Movenpick Wearverly Phú Quốc, Grand World Phú Quốc,… Movenpick Phú Quốc thì được tập đoàn MIK đầu tư và thuê tập đoàn Accor quản lý. Còn Grand World Phú Quốc thì được đầu tư và quản lý bởi Vingroup.

3. Destination Clubs:
Đây là hình thức khá mới tuy nhiên nó chỉ dành cho một số ít khách hàng siêu giàu, siêu sang. Khi tham gia các bạn sẽ phải đóng phí tham gia vào khoảng $500,000 và phí thường niên lên đến $25,000/năm. Thành viên sẽ được lưu trú tại những địa điểm cực kỳ xa hoa. Chính vì sự xa hoa này mà hình thức Destination Clubs không phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.

4. Second-Home:
Second home là hình thức đầu tư một căn nhà thứ hai mục đích phục vụ cho việc nghỉ dưỡng của chủ đầu tư. Có thể là vài ngày, hoặc vài tuần trong năm thôi. Thời gian còn lại thì chủ đầu tư cho thuê để sinh lời. Chúng ta thường sẽ được thuê nguyên căn để sử dụng trong kỳ nghỉ của mình. Nó hơi khác với Airbnb một chút là đối với Airbnb thì chúng ta có thể thuê lại sau đó lại cho người khác thuê để hưởng phần trăm giá chênh lệch.
Trên đây là một vài thông tin căn bản về các hình thức sở hữu khách sạn không toàn phần mà các bạn nên biết. Hy vọng bài viết có thể cung cấp cái nhìn mới hơn về các khái niệm trong ngành cho các bạn. Cám ơn và hẹn gặp lại các bạn trong bài viết sau nhé.
Links tham khảo và nguồn bài viết:
https://www.rci.com/
https://www.smartyacht.net/en/clubmembership
https://www.rwsentosa.com/en
http://www.destination-card.com/
The lodging and Food Service Industry – 5th Edition, Gerald W. Lattin, AHLA
Resort Management & Operations – 2nd Edition, Robert Christie Mill, John Wiley & Sons, Inc.
Resort Development & Management, 2nd Edition, Chuck Y.Gee, AHLA.
Cùng dòng chuyên mục này, các bạn có thể tham khảo các bài viết sau:
Các hình thức phân loại khách sạn (Classification of Hotels)
Các loại hình Resort và những điều bạn cần lưu ý khi làm việc tại Resort
Để nhận thông báo về những bài viết mới nhất của Hotel Briefing Blog, vui lòng để lại email của bạn vào ô bên dưới:
Cảm on bài viết của bạn nhé, mình đã mở rộng được tầm mắt
ThíchĐã thích bởi 1 người