Hotel Briefing xin chào quý vị độc giả, hy vọng mọi người đều đang bình an, an toàn trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp này.
Hôm trước, tôi có được mời tham dự một buổi chia sẻ của một trường college tổ chức cho sinh viên và phụ huynh, giải đáp những thắc mắc và lo lắng của họ về tương lai ngành hospitality trong bối cảnh Covid nghiêm trọng và phức tạp hiện nay. Sinh viên thì lo ra trường không có việc làm, phụ huynh thì lo lắng con em mình theo ngành này không có tương lai.. Có lẽ, không phải chỉ có những sinh viên và phụ huynh của trường college đó có những mối lo ngại như vậy, mà thiết nghĩ còn nhiều người hơn cũng thế.
Cho nên, tôi xin viết lại một số câu hỏi tôi nhận được trong buổi trò chuyện hôm đó cùng câu trả lời của tôi, hy vọng bài viết này sẽ giúp giải đáp phần nào cho những bạn sinh viên và quý vị phụ huynh ngoài kia về ngành du lịch khách sạn này.
1.NGÀNH HOSPITALITY VIỆT NAM CÓ CÒN TƯƠNG LAI KHÔNG, HAY SẼ SỤP ĐỔ?
Một bộ phận sinh viên và cả phụ huynh đã bày tỏ lo ngại là ngành hospitality này không còn tương lai nữa vì rất nhiều nơi đóng cửa hàng loạt, phá sản, kinh doanh đình trệ.
Well, tôi sẽ không chối bỏ thực tế khó khăn đó, nhưng tôi muốn nhấn mạnh với các bạn rằng: chúng chỉ là khó khăn ngắn hạn mà thôi.
Nhận định của tôi là: Chừng nào Việt Nam mất hết thiên nhiên tươi đẹp, bờ biển dài, rừng núi hoang sơ.. thì ngành du lịch của chúng ta mới thôi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn mà Việt Nam muốn focus, thì khi đó, mảng du lịch khách sạn mới lụi tàn.
Thật ra, ngành du lịch chưa bao giờ thôi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn mà chúng ta xác định cả: ngay lúc này, chính phủ vẫn đang bàn bạc phương án thử nghiệm hộ chiếu vắc xin cho Phú Quốc và có thể có cả Khánh Hòa. Điều này cho bạn thấy nỗ lực vực dậy ngành du lịch ngay sau đại dịch là nhiều như thế nào, cũng như là lời khẳng định cho sự tồn tại của ngành du lịch.
Link tham khảo các dự án thí điểm đón khách du lịch có hộ chiếu vaccine ở Việt Nam
Chắc hẳn các bạn sẽ tự hỏi: ngành thì còn nhưng có tìm được việc làm không? Chúng tôi sẽ trả lời kỹ hơn ngay sau đây nhé.
2. CÓ CƠ HỘI VIỆC LÀM TRONG NGÀNH TRONG VÀ SAU THỜI KỲ ĐẠI DỊCH KHÔNG?
Không có gì thuyết phục hơn việc trả lời thắc mắc này bằng những con số. Chúng ta hãy cùng xem qua một vài số liệu sau đây:

Những dự án nghỉ dưỡng mới vẫn đang tiếp tục được lên kế hoạch và xây dựng. Theo thông tin từ trang Top Hotels, hiện tại Việt Nam đang có tới 116 dự án đang thực hiện, sẽ mang lại cho thị trường gần 44,000 phòng. Những dự án này chủ yếu phân bố tại các địa phương như Sài Gòn, Phú Quốc, Cam Ranh, Hội An, Hà Nội.
Không phải chỉ Việt Nam, nhìn rộng ra một chút thì các dự án du lịch nghỉ dưỡng vẫn đang được phát triển tại cả thị trường Đông Nam Á:

Như vậy cho các bạn thấy, xu hướng du lịch vẫn luôn được chú trọng và đầu tư không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở cấp khu vực.
Cho nên, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ nhận thấy là ngành hospitality của mình vẫn đang được chú trọng, phát triển và do đó, vẫn cần nguồn nhân lực cho những dự án trong tương lai gần này. Huống hồ, thời kỳ khó khăn nhất đã qua rồi vì hiện nay chúng ta đã có vắc xin và đang triển khai tiêm chủng diện rộng.
3.KHI BÙNG DỊCH, CÓ PHẢI MẶC ĐỊNH NHÂN VIÊN Ở VỊ TRÍ THẤP/SINH VIÊN MỚI RA TRƯỜNG SẼ BỊ CHO NGHỈ VIỆC HAY KHÔNG?
Đây là một câu hỏi rất thực tế và phản ánh nỗi lo lắng chung của nhiều bạn sinh viên vừa tốt nghiệp, hay những bạn vừa mới có việc làm được một khoảng thời gian ngắn thì dịch bùng dữ dội trở lại.
Chủ đích của Hotel Briefing là không nói giảm nói tránh gì, mà chúng tôi sẽ trả lời bạn thành thật hết mức có thể, cho câu hỏi này, dựa trên kinh nghiệm và thông tin của chúng tôi:
- Thời điểm hiện tại, đúng là có tình trạng nhân viên bị thất nghiệp/ giảm lương do nhiều đơn vị không còn khả năng duy trình kinh doanh. Ví dụ, nhiều resort, khách sạn, nhà hàng, quán xá tại TP.HCM, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt..đóng cửa tạm thời vì không có khách
- Tuy nhiên, mỗi công ty sẽ có cách xử lý vấn đề khác nhau, tùy theo định hướng và quyết định của chủ đầu tư & ban quản lý. Ở một số công ty, họ sẽ cho nhân viên nghỉ không lương tương ứng với một số phần trăm nào đó (ví dụ nghỉ không lương 4 ngày/tháng và nhận 80% lương). Một số nơi sẽ yêu cầu nhân viên nghỉ hết số ngày phép được hưởng lương, và xung phong tự nguyện nghỉ không lương thêm.
- Không phải công ty, đơn vị nào cũng chọn cắt giảm nhân viên ở cấp bậc thấp trước tiên. Chúng tôi đã từng chứng kiến những tập đoàn cho những lao động cấp cao, quốc tịch nước ngoài nghỉ trước và giữ lại lực lượng lao động địa phương đấy các bạn.
4.LỜI KHUYÊN CHO CÁC BẠN SINH VIÊN
Như vậy, trong thời kỳ dịch bệnh này, bạn có thể làm gì hoặc chuẩn bị những cho bước đường sự nghiệp của mình? Những lời khuyên mà chúng tôi muốn gửi gắm tới các bạn là:
- Nếu bạn đang làm việc trong ngành và phải nghỉ không lương, đừng mất hết hy vọng vào ngành mà hãy lập kế hoạch tìm cách tăng thêm thu nhập qua các công việc bán thời gian khác, trong khi chờ đợi ngành phục hồi và tăng trưởng trở lại.
- Như chúng tôi có chia sẻ phía trên, việc một số lao động cấp cao/ lao động quốc tịch nước ngoài phải nghỉ việc là có diễn ra. Điều này vô tình lại mở ra cơ hội thăng tiến cho những người ở lại, những người đáng lẽ phải mất thời gian lâu hơn mới có thể thăng lên vị trí tổng quản lý, quản lý bộ phận, quản lý cửa hàng…Việc bạn cần chuẩn bị chính là: mài giũa skill sets của bản thân. Hãy tận dụng thời gian này mà đầu tư vào bản thân: học thêm các khóa học hữu ích cho sự nghiệp của bạn qua các khóa học online, forum, trao đổi…
Điều cuối cùng chúng tôi muốn nhắn nhủ các bạn là: Hãy ý thức rõ rằng, dịch bệnh làm rất nhiều ngành, rất nhiều công ty lâm vào cảnh khó khăn chứ không chỉ riêng ngành hospitality. Việc sàng lọc, tinh giảm biên chế là việc mà công ty nào cũng phải cân nhắc và thực hiện. Do đó, thay vì chúng ta than thở, hồi hộp lo lắng chờ đợi, thì hãy chủ động nâng cao giá trị bản thân, tăng khả năng cạnh tranh của bản thân, biến mình thành người mà công ty không muốn mất đi. Tư duy này luôn cần được phát huy ngay cả trong thời kỳ sau đại dịch, các bạn phải nhớ rõ nhé. Sẽ không bao giờ sai hay quá trễ để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức; và những người có giá trị bản thân cao mới là những người có thể tồn tại lâu dài qua thử thách, các bạn nha.
Thay vì chúng ta than thở, hồi hộp lo lắng chờ đợi, thì hãy chủ động nâng cao giá trị bản thân, tăng khả năng cạnh tranh của bản thân, biến mình thành người mà công ty không muốn mất đi.
Bài viết của Hotel Briefing đến đây là hết rồi. Chúng tôi xin gửi lời chúc bình an, an lành đến tất cả các bạn độc giả, mong cầu mọi người đều vượt qua đại dịch một cách khỏe mạnh và cùng nhau xây dựng ngành hospitality Việt Nam phát triển hơn nữa nhé! Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo.
Nguồn thông tin
https://tophotel.news/region-overview-over-150000-rooms-to-go-live-across-south-east-asia-infographic/
https://tophotel.news/country-overview-43000-new-hotel-rooms-coming-to-vietnam-infographic/
PowerPoint Presentation (cbrehotels.com)Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 10 năm 2021 (qdnd.vn)
Sau Phú Quốc, đến Khánh Hòa muốn thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiế (officesaigon.vn)
https://vov.vn/du-lich/thi-diem-don-25000-40000-luot-khach-quoc-te-den-phu-quoc-trong-6-thang-873469.vov