Hotel Briefing Blog xin chào các bạn, welcome back! Hy vọng mọi người đều an lành và giữ vững tinh thần lạc quan để vượt qua thời kỳ chống dịch này nhé.
Bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu những điều căn bản về Khách sạn cách ly (quarantine hotel) mà bạn cần biết. Hôm trước, chị Phương Ngọc có tham gia một webinar về chủ đề này tại trường đại học Kinh Tế & Tài Chính; chúng tôi nhận ra topic này có vẻ được rất nhiều bạn sinh viên quan tâm. Nào, chúng ta bắt đầu nhé.
A. NHỮNG THÔNG TIN VỀ KHÁCH SẠN CÁCH LY
1.Đối tượng khách
Định nghĩa khách sạn cách ly khá straight forward: đây là khách sạn phục vụ những khách hàng cần phải trải qua quy trình cách ly. Thay vì cách ly tập trung, những cá nhân này sẽ chọn cách ly tại khách sạn, có trả phí.
Sau đây là đối tượng khách cụ thể của một khách sạn cách ly tại TP. Hồ Chí Minh, các bạn tham khảo bên dười nhé:
- Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý kinh doanh, lao động kỹ thuật cao (gọi tắt là chuyên gia) và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con)
- Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con)
- Công dân Việt Nam: doanh nhân, trí thức, học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn học tập, bị kẹt ở nước ngoài, người ra nước ngoài khám, chữa bệnh, người hết hạn visa
- Học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam
- Các trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo và các trường hợp đặc biệt khác
- Khách hàng thuộc diện F1, F2
Dịch vụ:
Một gói dịch vụ cơ bản tại khách sạn cách ly thông thường phải bao gồm phòng và dịch vụ ăn uống trọn gói. Ngoài ra, với những khách sạn cao cấp thì họ có thể giới thiệu thêm hoặc bao gồm thêm những dịch vụ đa dạng hơn trong gói cách ly của họ.
Ví dụ từ một khách sạn cách ly tiêu chuẩn 5 sao tại TP. Hồ Chí Minh:
- Dịch vụ lưu trú với nhiều hạng phòng phù hợp với các nhóm khách khác nhau: phòng đơn cho một khách và phòng Suite với gian bếp riêng cho khách hàng gia đình
- Dịch vụ ẩm thực với các gói phục vụ theo set hoặc món lẻ, và thực đơn được thiết kế riêng (gluten-free, dairy-free)
- Dụng cụ tập luyện thể thao cá nhân như tạ, thảm tập yoga, máy chạy bộ
- Giặt ủi miễn phí mỗi ngày tùy hạng phòng
- Dịch vụ đưa đón bằng xe riêng của khách sạn
- Khách sạn hỗ trợ khách hàng liên hệ với cơ quan chức năng trong công tác lấy mâu xét nghiệm, lấy giấy chứng nhận âm tính và các giấy tờ liên quan
2.Quy trình nhận khách
Những người có nhu cầu cách ly có thể đặt phòng qua 2 cách: liên hệ trực tiếp với khách sạn hoặc đặt phòng qua kênh Traveloka (hợp tác cùng Sở Du Lịch địa phương).
Đối với khách nhập cảnh vào Việt Nam, sau khi đã chọn được khách sạn cách ly, khách hàng phải thông báo đến cơ quan đại diện ở nước sở tại và Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại nước sở tại. Sau đó khách di chuyển về địa điểm cách ly bằng xe chuyên dụng của cơ quan y tế hoặc xe của khách sạn, nếu có.
Khách sẽ được xét nghiệm vài lần trong quá trình cách ly và được cơ quan y tế cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly nếu âm tính.
3.Tiêu chuẩn an toàn
Theo thông tin tôi tìm hiểu, những tiêu chuẩn an toàn tại một khách sạn cách ly là do Sở y tế địa phương đặt ra, và họ sẽ thẩm định. Khách sạn đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn này mới được cấp giấy cho phép làm khách sạn cách ly. Sở y tế cũng hoàn toàn có quyền kiểm tra, thanh tra khách sạn một cách ngẫu nhiên và thường xuyên.
Một số quy định và tiêu chuẩn an toàn tại một khách sạn cách ly trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh:
- Bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về bố trí, sắp xếp các khu vực phục vụ cách ly tại khách sạn. Phân tầng cho các đoàn khách khác nhau, khách vào ở các ngày khác nhau phải xếp tầng khác nhau
- Bảo đảm cơ sở vật chất, dịch vụ vệ sinh buồng phòng, ăn uống, giặt ủi, khử khuẩn,… phục vụ nhu cầu của người được cách ly
- Bảo đảm tập huấn toàn bộ nhân viên khách sạn phục vụ cách ly
- Phổ biến quy định cách ly y tế tại khu vực tiếp đón và từng phòng nghỉ cách ly
- Phát khẩu trang y tế cho người được cách ly trong suốt thời gian lưu trú tại khách sạn
- Nhân viên phục vụ buồng phòng trực tiếp thì cũng cách ly 14 ngày cùng khách. Khách hoàn tất cách ly với kết quả âm tính khi đó nhân viên phục vụ khách sạn cũng mới được về.
- Trang bị thiết bị, đồ bảo hộ chuyên dụng cho nhân viên phục vụ ở khu vực dành riêng phục vụ cách ly
- Trang bị khẩu trang y tế, dung dịch khử khuẩn cho tất cả nhân viên phục vụ ở các phòng ban khác
- Tất cả nhân viên khách sạn được đảm bảo tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 đủ 2 liều và tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan y tế

4. Danh sách khách sạn cách ly
Danh sách khách sạn cách ly được công bố công khai tại website của Sở y tế, cũng như tại những đối tác Online Travel Agents (OTAs). Tôi có đính kèm danh sách quarantine hotels của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cho các bạn tham khảo nhé.
B.TƯ DUY VỀ KHÁCH SẠN CÁCH LY
Vậy là chúng ta đã điểm qua những thông tin chính về sản phẩm, vận hành, cũng như tiêu chuẩn an toàn của khách sạn cách ly. Bước tiếp theo là vài luận điểm về khách sạn cách ly mà các bạn nên thử tư duy nha:
1.Khách sạn cách ly – nên hay không?
Chúng ta có thể thấy, khách sạn cách ly là một hình thức sản phẩm & dịch vụ tạm thời, được chuyển đổi từ một khách sạn truyền thống. Thật vậy, nếu không có đại dịch, chắc cả thế giới cũng chưa có khái niệm “quarantine hotels” đâu. Khách sạn cách ly cũng chính là một dạng chiến lược mà khách sạn có thể chọn, nhằm xoay sở trong thời điểm du lịch bị đóng băng. (Tham khảo bài Một số chiến lược mà khách sạn đang thực thi trong đại dịch Covid)
Đã gọi là “một trong những chiến lược”, vậy thì sẽ có những khách sạn chọn trở thành khách sạn cách ly, một số thì không. Điều này, hoàn toàn phụ thuộc vào định hướng của ban quản trị cùng chủ đầu tư của khách sạn. Chúng ta với tư cách người từ ngoài nhìn vào, sẽ không đủ dữ kiện để đánh giá một khách sạn tại sao không làm quarantine hotel, vì mỗi sự lựa chọn đều có mặt lợi và hại của nó:
- Mặt tích cực rõ ràng nhất của quarantine hotel chính là khách sạn có một nguồn doanh thu tạm thời để trang trải chi phí, cũng như chi trả lương và duy trì đội ngũ nhân viên.
- Ngược lại, lý do để “Say no” với việc trở thành khách sạn cách ly có thể là: sự tính toán của khách sạn cho thấy họ sẽ có nguồn thu không đủ bù chi, đặc biệt là với những khách sạn phân khúc cao cấp luôn có chi phí bảo trì khá cao. Một lý do nữa là định vị thương hiệu của khách sạn đó không phù hợp với hình ảnh khách sạn cách ly.
2.Tương lai của quarantine hotel
Vậy những khách sạn cách ly này sẽ tồn tại đến khi nào? Không khó để nhận định rằng, khi du lịch hồi sinh trở lại thì những khách sạn cách ly này cũng sẽ được phục hồi trở lại bản chất sản phẩm vốn có của nó: một business hotel, một vacation hotel hay một hostel… Các khách sạn đều rất trông mong việc có thể mở cửa trở lại này, vì như vậy họ mới có thể phát huy tối đa những revenue center (những đầu mối mang lại doanh thu cho khách sạn) như họ vốn có, ví dụ như hội nghị, tiệc cưới, lượng khách lẻ đến nhà hàng…
Các bạn nên biết rằng một khi chọn làm khách sạn cách ly thì khách sạn không thể phục vụ một đối tượng khách nào khác nhé, chỉ được nhận khách cách ly tập trung thôi. Do đó dù thành phố/ địa phương đó không bị phong tỏa thì họ cũng không tìm được nguồn thu từ nhà hàng, khách lẻ, hội nghị…nào khác.
Một điều hay ho nữa là: chính vì quarantine hotel là một “trạng thái tạm thời” nên ngay cả khi đang vận hành là khách sạn cách ly, ban quản lý vẫn phải song song xây dựng những bản kế hoạch theo kịch bản khi du lịch hồi sinh trở lại và khách sạn quay lại với bản chất của nó. Họ vẫn họp bàn chiến lược và brainstorm những action plan để có thể ứng biến kịp thời khi du lịch có những dấu hiệu khả quan sớm nhất đấy, chứ không phải chỉ tập trung vào mô hình khách sạn cách ly thôi đâu.
Bài viết hôm nay đến đây là kết thúc rồi, Hotel Briefing xin cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc blog nhé. Hẹn gặp các bạn ở những bài viết tiếp theo.
Xin chân thành cảm ơn các anh chị đồng nghiệp đã giúp Hotel Briefing hoàn thành bài viết này:
Chị Nguyễn Huỳnh Thanh Thảo, Marketing & Communication Manager của khách sạn Holiday Inn & Suites Saigon Airport