Hotel Briefing Blog xin chào các bạn, chào mừng các bạn quay trở lại với chuyên mục giải đáp thắc mắc thường gặp từ sinh viên. Bài viết hôm nay, chúng tôi xin đăng tải lại một số câu hỏi mà đội ngũ chúng tôi nhận được về vấn đề thực tập và khởi đầu sự nghiệp trong bộ phận Food & Beverages nhé. (Những câu hỏi này đã được chúng tôi giải đáp tại Hotel Briefing Facebook Group, các bạn độc giả nếu có hứng thú thì có thể tham gia group nha.)
1. Cần chuẩn bị gì khi đi thực tập tại bộ phận Food & Beverages?
Về kỹ năng
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị sức khỏe cho tốt. Vì F&B thuộc về mảng Vận hành của khách sạn nên yêu cầu bạn phải làm việc tay chân khá nhiều. Ví dụ như đứng liên tục, di chuyển nhiều trong ca làm việc, khuân vác một vài vật nặng,…Những kiến thức bạn học ở trường sẽ trở thành thông tin tham khảo thôi, vì có thể những kiến thức đó không phù hợp với nơi bạn thực tập.Thứ hai: việc này là hiển nhiên nhưng chúng tôi cũng nhắc lại là mình nên trau dồi tiếng Anh thêm, vì bạn sẽ tiếp xúc với nhiều người nước ngoài ở môi trường khách sạn 5 sao lắm, từ khách cho đến quản lý của bạn. Ngoài ra, bạn hãy chú ý tới vấn đề vệ sinh, giữ khoảng cách an toàn khi phục vụ, vì chúng ta đang sống trong một môi trường “bình thường mới” khi dịch bệnh còn chưa được đẩy lùi hoàn toàn. Hãy tìm hiểu những quy định an toàn của cơ quan chức năng và đồng thời tuân theo những quy chuẩn về hygiene và safety của khách sạn luôn nhé.
Về tư duy
Điều quan trọng về tư duy khi thực tập tại bộ phận Food & Beverages là nên có tâm lý vững một chút, chịu khó một chút, vì có thể bạn sẽ bị shock trước cường độ làm việc của outlet bạn tham gia thực tập. Đó có thể là việc dậy sớm để lên ca phục vụ trong nhà hàng Buffet sáng, hay việc kết ca ở Bar hoặc tiệc cưới sau 12 giờ khuya là bình thường. Ngoài ra, việc lần đầu tiên tiếp xúc với khách hàng cũng sẽ rất là áp lực, nhất là đối với môi trường khách sạn 5 sao.Kế đến: Hãy ôn lại những kiến thức bạn học ở trường, nhưng song song đó hãy mở rộng tâm trí để đón nhận sự đào tạo mới. Vì mỗi đơn vị, mỗi khách sạn sẽ có một quy chuẩn tiêu chuẩn làm việc khác nhau. Khi đi thực tập, bạn sẽ được training để làm việc theo tiêu chuẩn của khách sạn đó. Bạn có thể so sánh những kiến thức và kỹ năng mình được học với chương trình đào tạo thực tế của một khách sạn, việc này cũng giúp bạn trau dồi khả năng quan sát, nhận xét và tư duy của mình đấy.

2. Giữa môi trường nhà hàng độc lập và khách sạn 4-5 sao, môi trường nào thì tốt?
Hotel Briefing nhận được câu hỏi này từ một bạn sinh viên sắp tốt nghiệp, bạn đang phân vân khởi đầu sự nghiệp của mình ở nơi nào, giữa môi trường khách sạn cao cấp và nhà hàng bình thường, vì bạn cho rằng mức lương của nhà hàng bình thường cao hơn mức lương tại khách sạn lớn.
So sánh môi trường nhà hàng bên ngoài và khách sạn lớn
Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì đúng là có trường hợp lương ở nhà hàng bên ngoài sẽ cao hơn lương của cùng vị trí tại một khách sạn 5 sao. Nhưng mà, đó chỉ là bề nổi của vấn đề thôi. Điều các bạn nên suy nghĩ đến là, mục tiêu sự nghiệp của bạn là gì, và bạn muốn đạt được điều gì khi đi làm ở một nơi nào đó?
- Nếu bạn muốn có thu nhập cao và nhanh thì đúng là bạn sẽ nhiều cơ hội hơn khi làm ở nhà hàng bên ngoài trước. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là thời gian đầu thôi. Việc làm ở môi trường khách sạn 5 sao, khách sạn quốc tế, đem lại nhiều lợi ích mà có lẽ ít nhà hàng nhỏ hay nhà hàng độc lập có được. Đó là tiêu chuẩn cao, sự chuyên nghiệp từ đội ngũ, từ môi trường làm việc với nhiều cá nhân từ khắp nơi trên thế giới, sự áp lực và kỳ vọng cao… Thực sự mình sẽ học được rất rất nhiều, và trui rèn, phát triển bản thân lên rất nhanh. Theo tôi, việc lăn xả trong một môi trường như vậy là một trong những cách đầu tư bản thân hiệu quả nhất.
- Nói như vậy không có nghĩa là làm môi trường nhà hàng bên ngoài, các bạn không học được gì. Ở những môi trường nhỏ hơn, scope of work của bạn không gói gọn trong cái chức danh của bạn, mà bạn dễ ôm thêm nhiều việc khác từ nhỏ đến lớn, sự liên hệ giữa các cá nhân trong tập thể cũng chặt chẽ hơn nữa. Nhưng nếu so về kỹ năng chuyên sâu và độ chỉn chu thì chắc là đa phần môi trường khách sạn lớn sẽ vượt trội hơn.
Cho nên, thay vì nghĩ đến mục tiêu ngắn hạn là tiền lương khởi điểm ở đâu cao hơn, các bạn hãy hướng sự tập trung vào việc đầu tư cho bản thân mình, về lâu dài. Một khi đã đầu tư cho bản thân rồi (về kinh nghiệm, kỹ năng, ngôn ngữ…) thì các bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những cơ hội nghề nghiệp có mức lương cao hơn.
Bắt đầu sự nghiệp như thế nào?
Cái này thì không có công thức cụ thể nào mà bảo đảm thành công cả. Các bạn phải xác định rõ mục tiêu của mình trước: ví dụ, là kiếm thu nhập cao trong ngắn hạn, hay tích lũy kinh nghiệm lâu dài… Riêng đội ngũ Hotel Briefing chúng tôi thì sẽ khuyến khích bạn chọn làm ở khách sạn lớn, dù vị trí không cao trước. Làm như thế trong 2 năm hoặc hơn, sau đó tìm cơ hội ở khách sạn hoặc chuỗi nhà hàng khác. Tôi luôn khuyên các bạn trẻ nên tìm việc ở cả khách sạn lẫn nhà hàng bên ngoài, khi bạn có kinh nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau như vậy, đó sẽ là lợi thế của bạn, vì nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn đã tích lũy được kinh nghiệm và góc nhìn đa chiều.
Bài viết giải đáp thắc mắc này đến đây là hết, Hotel Briefing sẽ đăng tải dần dần những câu hỏi của các bộ phận khác, mời các bạn sinh viên đón đọc nhé. Chúc mọi người nhiều sức khỏe và niềm vui.
Cùng dòng chuyên mục này, các bạn có thể tham khảo các bài viết sau:
️🎨 Artwork credit: Linh (IG: @paintothemoon)
🖌 Để các bạn sinh viên hoặc bất kỳ anh chị trong ngành Hospitality có thể gửi câu hỏi ẩn danh đến đội ngũ Hotel Briefing, vui lòng gửi câu hỏi tại https://bit.ly/3lULgT4.