Chào cả nhà, mừng mọi người quay trở lại với Hotel Briefing Blog nhé!
Với post này, Phương Anh có mục đích chính là chia sẻ thông tin tuyển dụng của ngành để ai quan tâm có thể cân nhắc, tuy nhiên mình cũng muốn mở rộng thêm và gợi ý các bạn sinh viên suy nghĩ sâu hơn, phân tích nhiều hơn một chút thử xem chúng ta có thể học được, biết được gì thêm qua điều này ha.
Đầu tiên, mời mọi người tham khảo những tin tuyển dụng trong ngành gần đây nhé:
Như các bài post trước mà Phương Anh và Phương Ngọc có chia sẻ, mình có thể thấy là khách du lịch đang quay lại, thị trường đang sôi động dần lên. (Xem và tải bản Tin tức du lịch khu vực châu Á tháng 5/2022). Đây là tín hiệu tốt, rất đáng mừng. Vừa rồi Phương Anh có nói chuyện với nhiều contact trong ngành ở các nước khác, hầu hết các thị trường đã mở cửa đều đón nhận tín hiệu rất khả quan.
Các tin tuyển dụng mà Phương Anh chia sẻ trong post này đều là những thông báo mới trong khoảng giữa tháng 5 đến đầu tháng 6. Các bạn cũng biết, ngành Hospitality không chỉ có khách sạn mà còn có nhà hàng và những dịch vụ liên quan.
Vậy, việc tuyển dụng hàng loạt này, từ tập đoàn khách sạn lớn đến chuỗi doanh nghiệp trong nước, nói lên điều gì?
THỨ 1 – RẤT NHIỀU NHÂN SỰ ĐÃ RỜI NGÀNH TRONG GIAI ĐOẠN DỊCH
Điều này cũng khá rõ ràng và dễ hiểu khi thị trường đóng băng 2.5 năm, rất nhiều khách sạn, nhà hàng, hãng hàng không và doanh nghiệp khác đã phải thu nhỏ quy mô hoặc dừng hoạt động. Cho đến khi thị trường khởi sắc trở lại, lượng nhân sự hiện nay đang không đáp ứng đủ nhu cầu của tình hình kinh doanh.
THỨ 2 – NHÂN SỰ ĐANG THIẾU HỤT RƠI VÀO DÀN NHÂN SỰ Ở CẤP CƠ BẢN ĐẾN CẤP QUẢN LÝ BẬC TRUNG
Nhìn vào các post tuyển dụng hoặc dạo quanh các group chia sẻ về ngành, các trang tuyển dụng hoặc LinkedIn, các bạn cũng sẽ thấy điều này. Mặc dù mình có thể phản biện rằng, những vị trí này sẽ được thông báo tuyển rộng rãi hơn là các vị trí cấp cao (vì thế nên dễ thấy hơn) chứ không có nghĩa là những vị trí cấp cao không có tuyển, đúng hông nè? Câu trả lời của Phương Anh là đúng. Đó là tư duy phản biện tốt, các bạn sinh viên nên giữ và phát huy nha. Tuy nhiên trong trường hợp này, thực tế là dàn nhân sự cấp cơ bản và quản lý cấp trung đang thiếu hụt chứ không phải dàn Executive hoặc Giám đốc bộ phận.
Vì sao? Bởi vị họ là những người “dễ chịu tổn thương” nhất trong đại dịch. Họ rất “vulnerable”.
Khi kinh tế sụt giảm do dịch, mức lương và thu nhập của nhân viên cũng giảm mạnh theo. Giả sử một công ty cắt giảm 50% thu nhập của toàn bộ nhân viên, thì một người sếp lương 100tr/tháng và một người nhân viên lương 10tr/tháng, ai sẽ có khả năng “cầm cự” tốt hơn trong hai năm rưỡi dịch vừa qua? Chắc chắn tầng lớp nhân viên cơ bản sẽ chịu nhiều “damage” nhất. Ngoài lương căn bản ra, những thu nhập khác đến từ service charge, tiền tip của khách, bonus hoặc tiền thưởng khi đạt doanh thu…đều không có trong giai đoạn dịch, chính điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trong ngành, và cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ phải chuyển ngành khác.
Nói như vậy không có nghĩa là doanh nghiệp không công bằng hay gì cả nhé, đó không phải là trọng điểm ngày hôm nay Phương Anh muốn chia sẻ. Trọng điểm là khúc dưới nè:
Hai điều trên có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, nhất là đối với những bạn sinh viên sắp gia nhập ngành?
Thứ nhất: Các bạn sẽ được học nhanh, làm nhiều
Ai ai cũng thiếu người, áp lực phải đào tạo người mới nhanh chóng rồi đưa ra làm việc chắc chắn sẽ có. Các bạn hãy chuẩn bị tinh thần cho điều này, đừng trách móc sếp nha. Sếp các bạn cũng đã rất vất vả rồi đấy. Thay vào đó, hãy cố gắng thể hiện thái độ chịu khó, chịu làm, sẵn sàng giúp đỡ team mình, sếp mình. Thái độ này rất quan trọng, và ai có nó thì sẽ có cơ hội được đào tạo thêm, tiến xa hơn và lên cao hơn trong sự nghiệp, cho dù là bạn làm ngành nào đi chăng nữa. Bởi vì đơn giản là kỹ năng có thể đào tạo, kinh nghiệm có thể tích lũy nhưng thái độ thì không. Chính vì thế, thái độ tốt, tư duy tốt còn đáng quý hơn rất nhiều.
Thứ hai: Các bạn phải giữ vững chất lượng công việc
Để bổ sung lại nhân lực đầy đủ cho một team, một bộ phận…sẽ cần chút thời gian. Có thể khi bạn vào làm, team bạn vẫn chưa đủ. Ngoài áp lực “làm xong” công việc, các bạn sẽ còn phải chịu áp lực “làm tốt”. Các bạn có thể sẽ mệt, sẽ nản, vì người thì ít mà vẫn phải đảm bảo dịch vụ đúng tiêu chuẩn, điều này không dễ dàng gì. Phương Anh hoàn toàn hiểu. Đặc biệt là những bạn vào làm ở các doanh nghiệp lớn, có danh tiếng…thì rất có khả năng công ty vẫn sẽ yêu cầu team bạn đảm bảo làm việc và phục vụ khách đúng chuẩn (của tập đoàn, của doanh nghiệp).
Nghe khó quá đúng không nè? Nhưng mà bạn ơi, cố lên, đừng bỏ cuộc.
Ngành chúng ta đã chờ đợi rất lâu để có thể phục vụ khách trở lại. Đây chính là thời điểm then chốt. Nếu một doanh nghiệp vẫn giữ vững phong độ và chất lượng phục vụ trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp đó sẽ có lợi thế rất lớn trong thị trường cạnh tranh như ngày nay. Nếu chất lượng dịch vụ của mình giảm sút, khách có thể sẽ bỏ đi nơi khác, khách sạn khác, thành phố khác hay thậm chí nước khác. Đó là điều không ai mong muốn, phải không nè?
Khó khăn này chỉ mang tính tạm thời mà thôi, nó sẽ không kéo dài mãi. Do vậy bạn hãy cố lên. Hãy thông cảm cho công ty mình, cho bộ phận Nhân Sự, cho sếp mình, team mình. Bạn hãy tin rằng ai ai cũng đang làm mọi cách để tìm người và bổ sung nhân lực cho doanh nghiệp càng sớm càng tốt, bạn nha!
Lời kết
Thật ra còn rất nhiều cái để nói nữa nhưng post cũng dài rồi, và Phương Anh cũng muốn nghe thêm ý kiến từ các bạn nữa nè. Cái quan trọng Phương Anh muốn lặp lại lần nữa là: hãy tập cho mình tư duy phân tích vấn đề, đào sâu suy nghĩ. Không quan trọng đúng hay sai, vì bạn luôn luôn có thể nghĩ chưa hết, biết chưa đủ, ngay cả Phương Anh cũng vậy, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là rèn luyện tư duy này: cùng là thông tin bề mặt đó, cùng là sự việc đó nhưng mình nên biết phân tích và nhìn theo nhiều góc cạnh khác nhau. Data đó nói lên điều gì? Nó có ý nghĩa gì? Mình có thể làm gì với nó?
Phương Anh hoàn toàn tin rằng, thế hệ sau sẽ luôn luôn giỏi hơn thế hệ trước. Vì thế, tất cả những gì người đi trước như đội ngũ Hotel Briefing đang làm cũng chỉ muốn giúp các bạn ngày càng tự tin, càng thành công và tỏa sáng rực rỡ hơn thôi. Chính các bạn đã và đang tỏa sáng rồi, thế nên đừng ngại dấn thân, đừng ngại tiến về phía trước, bạn nhé!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, hẹn mọi người ở những chia sẻ tiếp theo của Hotel Briefing nha.
Hôm nay là ngày off của em sau hơn 1 tuần thực tập bộ phận HK tại một khách sạn 5 sao Phú Quốc, em đã đọc blog của chị và thấy thật đúng và dành cho em lúc này luôn. Đúng như chị nói, công việc rất nặng nhọc và nhiều vì đang mùa đông khách mà rất thiếu nhân lực. Với đứa vừa bước vào nghề như em thì vô cùng áp lực và ngày nào cũng chạy đua với thời gian, đi làm về thì đau ê ẩm khắp cả người. Nhưng điều em thấy tích cực là em học hỏi được nhiều hơn, va chạm thực tế với nghề như một nhân viên chính thức.
Lúc chưa đọc bài viết của chị em có một chút trách boss của mình nhưng giờ em đã hiểu và cảm thông hơn rồi ạ. Em sẽ cố gắng vượt qua giai đoạn này. Em cảm ơn bài chia sẻ của chị rất nhiều ạ.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Chị rất cảm ơn em vì comment này. Chị rất vui vì có thể giúp được các bạn trẻ trong ngành. Cố lên em nha, mọi chuyện sẽ tốt dần lên thôi. Chúc em luôn vui khỏe và ngày càng thành công với ngành mình nhé!
ThíchThích