Xin chào quý độc giả của Hotel Briefing Blog, cảm ơn mọi người đã ghé thăm.
Tiếp theo chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm về báo chí, bài viết ngày hôm nay sẽ là bài nói về việc xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với giới báo chí thì có tầm quan trọng như thế nào, lợi ích như thế nào. Thật ra khi nghĩ đến giới truyền thông, chúng ta đều hiểu rằng đây là một trong những stakeholder quan trọng của công ty, dù thuộc ngành công nghiệp nào đi nữa. Hôm nay, tôi xin chia sẻ cụ thể hơn về những lý do, lợi ích mà giới báo chí có thể đem lại cho khách sạn và cả cho cá nhân người làm Marketing, mời mọi người tham khảo nhé.
Các bạn lưu ý, bài viết thể hiện quan điểm và kinh nghiệm cá nhân của tôi trong quá trình làm việc tại các khách sạn, resort 5 sao tại Việt Nam, có thể không hoàn toàn tương đồng với các khách sạn, resort thuộc phân khúc khác.
A. ĐỐI VỚI KHÁCH SẠN, RESORT
1.Là nguồn thông tin bên thứ ba đáng tin cậy, uy tín, có độ phủ cao trong cộng đồng
Đối với tôi thì đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất và cũng là lý do vì sao khách sạn nên xem giới báo chí là stakeholder quan trọng. Hẳn mọi người đều đồng ý, tin bài, giải thưởng từ báo chí sẽ giúp khách sạn về nhiều mặt: tăng độ phủ trong cộng đồng, tăng sự nhận diện, nhận biết về thương hiệu và tăng uy tín trong mắt độc giả. Điểm này thì gần như là hiển nhiên rồi ha.
Mọi người có thể tham khảo lại 2 bài trước về danh sách các đầu báo và tạp chí của Việt Nam và quốc tế cùng các scope of work mà khách sạn hay làm việc (dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tôi).
2.Giảm chi phí quảng cáo, tăng nội dung chất lượng
Ngoài việc những coverage này là nguồn thông tin uy tín cho khách sạn, chúng lại còn như là miễn phí nếu không tính những nguồn lực dành cho việc xây dựng và duy trì mối quan hệ. Nếu như một khách sạn, resort không có sự hợp tác với giới truyền thông, họ sẽ tốn chi phí cho việc quảng cáo đăng tin tức nhiều hơn rất nhiều, chưa kể đến độ hiệu quả có thể không cao bằng những tin tức từ báo chí. Vì sao?
Khách hàng có xu hướng tin lời của một bên thứ ba hơn là những gì thương hiệu tự nói tốt về sản phẩm, dịch vụ của mình. Một mẫu quảng cáo hay một bài PR có thể không lay động mạnh và không giành được lòng tin của khách hàng bằng một bài viết “Top những địa điểm nghỉ dưỡng không thể bỏ qua cho mùa hè này” của một trang tạp chí du lịch uy tín trong cộng đồng. Cho nên, ngay cả khi người Marketer làm trong một khách sạn có ngân sách quảng cáo dồi dào đi chăng nữa, những nội dung “thuần”, không mang màu sắc PR, quảng cáo mà báo chí biên tập vẫn là những nội dung chất lượng.
Lúc này, việc giao hảo tốt với giới truyền thông sẽ giúp người Marketer tăng khả năng khách sạn được nhắc đến trong những bài nội dung thuần của báo chí. Cụ thể, các biên tập viên có thể chia sẻ cho bạn về các bài viết họ đang lên kế hoạch; và từ đó, bạn có thể “pitch” những nội dung của khách sạn, resort bạn cho báo chí. Nếu phù hợp, khách sạn sẽ được nhắc đến trong bài viết đó. Mặt khác, khi các biên tập viên đang viết nội dung về mảng nhà hàng, khách sạn, du lịch, bạn có thể hỗ trợ họ trong việc chia sẻ những tư liệu, kiến thức ngành thuộc chuyên môn của hospitality…với quyền lợi truyền thông là khách sạn được nhắc đến trong bài viết. Lưu ý, lúc này người markter phải chắt lọc, lựa chọn nội dung phù hợp với “đề bài” mà biên tập viên đang tìm kiếm chứ không phải chỉ đơn giản là gửi “cái mà khách sạn có”.
Ví dụ những dạng bài thuần nội dung mà khách sạn, resort có thể được mention:
- Dạng bài phỏng vấn quản lý, giám đốc khách sạn về một vấn đề kinh tế, xã hội, hoặc chuyên môn nào đó
- Dạng bài chia sẻ công thức, tips về nấu ăn, cocktail, spa, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, du lịch, sống xanh…
- Dạng bài top list, giới thiệu các điểm đến, dịch vụ, sản phẩm…theo một chủ đề cụ thể nào đó
- Dạng làm cố vấn nội dung cho cả một số tạp chí. (Dạng này thì ít phổ biến hơn nhưng rất có giá trị cho cả khách sạn lẫn cá nhân người được mời làm cố vấn.)
(Tôi sẽ bàn sâu hơn về điểm này ở một bài viết khác về giá trị của những hoạt động PR trong hành trình đem lại doanh thu cho khách sạn.)
3. Media là đối tác và nguồn lực chất lượng
Khi bạn đã có mối quan hệ tốt đẹp với giới truyền thông, thì họ sẽ trở thành một nguồn lực cực kỳ chất lượng trong những trường hợp khách sạn cần sự hỗ trợ, hợp tác mang tính chiến lược với các đối tác. Ví dụ như sau:
(Các bạn lưu ý, những gì tôi liệt kê phía dưới là dựa vào kinh nghiệm thực tế tôi đã từng trải qua, có thể không hoàn toàn giống với những môi trường làm việc khác).
3a. Là cầu nối cũng như đồng hành trong các event, chiến dịch xây dựng & quảng bá thương hiệu, networking
Media trong vai trò cầu nối:
Làm việc trong môi trường khách sạn phân khúc luxury, phòng Marketing chúng tôi phải chú trọng đến những hoạt động xây dựng và quảng bá thương hiệu, thông qua các hình thức partnership, làm branding event…với các đối tác thuộc các ngành như thời trang, xe hơi, hoặc với các tên tuổi về thiết kế thời trang, nội thất, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia… Những lúc như thế này, nếu quan hệ đủ tốt, bạn có thể thông qua giới báo chí để tìm được contact phù hợp, thậm chí còn nhận được sự giới thiệu từ họ với đối tác, qua đó, tăng khả năng tiếp cận và khả năng hợp tác thành công.
Có những lần, media còn chủ động giới thiệu resort, khách sạn cho những công ty đang tìm nơi tổ chức event, đặt tiệc…qua đó, gián tiếp mang lại hợp đồng và doanh thu cho khách sạn. (Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc khách sạn có chất lượng dịch vụ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng hay không nữa bạn nhé.)
Media trong vai trò đối tác:
Media còn có thể trở thành đối tác phụ trách truyền thông cho những sự kiện, chiến dịch của khách sạn. Hình thức hợp tác này có thể là quảng cáo có chi phí hoặc hợp tác hỗ trợ, hoặc cả hai, tùy vào chất lượng mối quan hệ của hai bên cũng như khả năng thu hút tin tức của sự kiện, chiến dịch.
3b. Hỗ trợ, giúp đỡ khách sạn cho những dự án, vấn đề chuyên biệt
Đây là một mảng tuy không phổ biến đối với người ngoài ngành hoặc công chúng, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với khách sạn. Trong một vài giai đoạn đặc biệt như là khi khách sạn đang nghiên cứu, phát triển một dự án, sản phẩm, dịch vụ hoặc giải quyết một vấn đề nào đó; thì giới media có thể được mời tham gia để đưa ra ý kiến chuyên môn của họ. Nguyên nhân là những nhân sự cao cấp nhất báo, tạp chí và giới truyền thông nói chung có kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ cũng như thông tin sâu và rộng về xã hội, thị trường, hành vi con người… mà khách sạn có thể trông cậy vào những nhận định của họ.
Ví dụ, tôi đã chứng kiến tập đoàn mời tổng biên tập của một đầu tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống nổi tiếng thế giới đến xem qua concept kiến trúc mới những căn phòng khách sạn, để người đó cho ý kiến xem những căn phòng này có phù hợp với đối tượng khách thượng lưu mà tập đoàn đang nhắm tới hay không. Trong một lần khác, một Tổng biên tập của một tạp chí quốc tế lâu năm còn được mời góp ý cho tập đoàn khách sạn về hành vi tiêu dùng của tệp khách hàng giới sang trọng, cũng như nhận xét về định hướng thương hiệu mới mà tập đoàn khách sạn đang hướng tới.
3c.Hỗ trợ xử lý khủng hoảng truyền thông
Khủng hoảng truyền thông có thể xem là “cơn ác mộng” đối với Thương hiệu nói chung và những người làm Marketing nói riêng. Chưa cần biết câu chuyện thế nào nhưng hễ thương hiệu đang bị dính vào một vụ khủng hoảng trên mặt trận truyền thông thì y như câu thành ngữ “Tiếng lành đồn một, tiếng xấu đồn trăm”, khách sạn phải đối mặt với những tin tức, bài đăng, bình luận…lan nhanh như lửa trên mạng xã hội, những lượt review 1 sao dồn dập và tệ hơn nữa là bị “lên báo”.
Lúc này, việc có quan hệ tốt với giới truyền thông sẽ mang lại sự hỗ trợ rất giá trị cho khách sạn trong việc xử lý khủng hoảng. Cụ thể như: : đăng thông cáo báo chí chính thức của khách sạn, hoặc cho lời khuyên về những hướng giải quyết hợp lý, lời khuyên về việc nên phối hợp với cơ quan báo chí và chính quyền địa phương như thế nào…Những sự hỗ trợ quý giá khác có thể bao gồm việc “mách” cho khách sạn cách ứng xử với giới truyền thông sao cho vừa đúng luật vừa bảo vệ được danh tiếng và quyền lợi chính đáng của các bên, hoặc giới thiệu cho khách sạn những nhân vật yếu trọng có thể nhờ cậy…
TƯ DUY SÂU HƠN:
Trong khi point số 2 thuộc dạng “basic”, tức là đó là những phần thuộc phạm trù công việc chính của giới báo chí (việc tìm nội dung viết bài, đăng bài…), thì point số 3 không phải như thế. Nói cách khác, một người làm Marketing dù chưa có mối quan hệ vững chắc lắm với giới báo chí, vẫn có thể đem về một số tin bài cho khách sạn của mình, miễn là những tin tức đó đáp ứng đủ sự hấp dẫn với độc giả, phù hợp định hướng nội dung và được duyệt đăng.
Ngược lại, những điều được nhắc tới trong point thứ 3 không phải là “daily tasks” của báo chí: việc hỗ trợ khách sạn trong các tình huống đặc biệt không phải là một trách nhiệm bắt buộc gì cả. Các đơn vị báo chí có thể chọn hỗ trợ khách sạn, hoặc không, tùy thuộc vào chất lượng mối quan hệ cũng như lợi ích lâu dài của hai bên.
B.ĐỐI VỚI CÁ NHÂN NGƯỜI MARKETER
Những lợi ích của việc có mối quan hệ tốt với giới báo chí đã rất rõ ràng đối với khách sạn, nhưng chúng cũng mang lại giá trị to lớn không kém cho cá nhân người làm Marketing:
Người phụ trách PR/ Marketing trong một khách sạn là người làm việc trực tiếp với giới báo chí, hầu hết mọi việc giao tiếp giữa khách sạn – báo chí đều do cá nhân người làm Marketing đảm nhiệm. Có nghĩa là, mọi lợi ích từ giới truyền thông mà khách sạn tận hưởng, được mang lại thông qua họ. Khi đem lại lợi ích cho khách sạn, người phụ trách PR cũng đang xây dựng được tiếng tăm cá nhân cho bản thân mình và bồi đắp cho con đường thăng tiến trong bộ phận Marketing nói chung và khách sạn nói riêng.
Đặc biệt đối với những khách sạn, resort đang trong giai đoạn pre-opening và opening (tiền khai trương và vừa khai trương), họ đang rất cần giành được tiếng vang và gia tăng độ nhận biết thương hiệu trong mắt khách hàng. Mảng PR là một trong những mảng chiến lược của khách sạn và khi đó, người Marketing có mối quan hệ rộng với giới truyền thông là những người sẽ có lợi thế cạnh tranh đáng kể.
(Tôi sẽ bàn sâu hơn về điểm này ở một bài viết khác về giá trị của những hoạt động PR trong hành trình đem lại doanh thu cho khách sạn.)
Trong kinh nghiệm của tôi, những người bạn, đối tác giới báo chí đều là những người có kiến thức và hiểu biết rộng rãi. Nhiều khi, ngồi tiếp họ một buổi thôi mà đã biết thêm được quá trời điều hay ho bổ ích, mà không phải chỉ gói gọn trong phạm vi công việc. Đây thực sự là những mối quan hệ chất lượng mà tôi nghĩ là người làm Marketing nếu có cơ hội, thì hãy giao thiệp và phát triển.
Bài viết hôm nay đến đây là kết thúc rồi, cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc nhé. Mọi người có thắc mắc nào hoặc chủ đề nào muốn Hotel Briefing lên sóng thì cứ comment nha. Hotel Briefing xin cảm ơn và chúc các bạn độc giả một ngày thật nhiều năng lượng và niềm vui.