Xin chào các bạn độc giả của Hotel Briefing! Tháng 5 chứng kiến dịch bệnh lan ra nhiều tỉnh thành, kéo theo sự đình trệ và đóng băng của ngành du lịch. Hotel Briefing hy vọng tất cả chúng ta đều sẽ giữ vững niềm tin, sự lạc quan để tiếp tục hỗ trợ đất nước trong thời gian khó khăn này, mọi người nhé. Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng đại dịch!
Chuyên mục của ngày hôm nay là một bài viết giới thiệu những chương trình truyền hình, TV show về ngành khách sạn mà bạn nên xem. Sở dĩ chúng tôi cho bài này “lên sóng” cũng là vì hoàn cảnh hiện nay, mọi người work from home và ở nhà nhiều hơn; nên nếu các bạn đã xem chán chê những bộ phim truyền hình rồi, thì tại sao không chọn xem những chương trình vừa mang tính giải trí vừa có thể học hỏi, đúng không nào?
Năm ngoái Hotel Briefing có giới thiệu bài Những chương trình truyền hình về ngành F&B, bạn có thể tìm đọc lại nha!
Chúng ta bắt đầu thôi nào!
NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH NÀY PHÙ HỢP CHO AI TRONG NGÀNH?
Khi soạn thảo bài viết này, đội ngũ tác giả chúng tôi đã cân nhắc đến yếu tố: hospitality nói chung là một khoảng không rất rộng mà trong đó còn nhiều phân khúc, nhiều vị trí khác nhau. Do đó, danh sách những chương trình chúng tôi đề cập sẽ cố gắng bao phủ rộng, tức là mỗi một chương trình sẽ phù hợp hơn với một đối tượng nhất định trong ngành. Phần này sẽ được chúng tôi ghi chú rõ ở trong phần giới thiệu về từng chương trình nhé.
1.STAY HERE

Chương trình đầu tiên chúng tôi muốn giới thiệu dành những mô hình kinh doanh nhỏ nhất trong ngành hospitality. Nội dung show này chúng ta có thể hiểu nôm na là “Airbnb makeover”, tức là các chuyên gia sẽ đi trang hoàng lại các căn hộ hoặc nhà nguyên căn cho thuê ngắn hạn (ví dụ như các căn hộ Airbnb như chúng ta hay biết tới chẳng hạn.)
Trong show, chúng ta sẽ thấy các chuyên gia phân tích các điểm sai căn bản của một căn hộ cho thuê, chúng thiếu những điểm gì, cần chú trọng thêm mặt nào… Đa phần chúng ta sẽ thấy các các căn hộ trong hoặc nhà nguyên căn đều rất có tiềm năng, có những unique selling point đặc biệt, ví dụ như ở tập 4 mùa 1 thì đây là 1 trong 3 property có hồ bơi trong khu vực, hoặc là ở tập cuối mùa 1, là một trạm cứu hỏa cũ được tân trang lại thành Airbnb rất độc đáo. Tuy nhiên, điểm cần cải thiện là làm sao cho các địa điểm này thật sự nổi bật giữa muôn ngàn các căn hộ hoặc nhà cho thuê khác trong khu vực. Việc đầu tiên cần làm sẽ là trang trí lại cơ sở của mình cho thật đặc sắc, có phong cách riêng biệt cụ thể, tập trung vào trải nghiệm khách hàng chứ không phải là mang nặng cái tôi của chủ sở hữu.
Không chỉ có vậy mà còn phải biết cách tận dụng tối đa diện tích sử dụng để tối đa hóa doanh thu từ việc cho thuê nhé. Việc này rất đúng với việc đầu tư xây dựng khách sạn, vì diện tích đất thì có hạn, rồi còn phải chừa lại diện tích cho cảnh quan, các khu vực phụ như: nhà hàng, kho, bếp, lễ tân, … Cho nên, phần diện tích đất còn lại chúng ta phải tính toán làm sao để có được số lượng phòng tối đa để tăng tối đa doanh thu. Trong show có một số tip khá hay và hữu ích dành cho các chủ căn hộ cho thuê ngắn hạn. Show hiện có trên Netflix.
Show phù hợp với: chủ khách sạn, căn hộ, nhà trọ…cho thuê ngắn hạn
2.INSTANT HOTEL

“Instant hotel” là một thuật ngữ xuất phát từ Australia. Nếu đêm so sánh thì đây cũng khá giống với Airbnb vì đa phần chủ sở hữu các cơ sở này đều có dư phòng và đều đêm các phòng dư đó ra cho thuê. Tuy nhiên trong show này thì chúng ta sẽ theo dõi một cuộc thi giữa các chủ sở hữu các “instant hotel” này để giành giải thưởng chung cuộc nhé. Nếu như ở show “Stay here”, chúng ta sẽ có những tip về trang trí, design căn hộ, thì ở “Instant Hotel” thì chúng ta sẽ có thêm các tip về customer service và customer expectation khi kinh doanh các căn hộ cho thuê nhé.
Trong show thì các owner sẽ luân phiên ở các “instant hotel” của nhau để đánh giá ai đang có “instant hotel” tốt nhất. Đây là một điểm khá hay của chương trình vì mỗi owner đều có những yêu cầu khác nhau, do đó sẽ có những đánh giá khác nhau cho từng “instant hotel”. Và dĩ nhiên đây là cuộc thi nên sẽ có các chiêu trò vạch là tìm sâu để cố ý cho đối thủ có điểm thấp và bị loại. Tuy nhiên đây cũng là những tip mà chúng ta cần lưu ý vì các khách hàng khó tính sẽ để ý khi đến với cơ sở của chúng ta. Ví dụ như tóc ở trên drap giường, khu vực chúng ta kinh doanh có quá nhiều bọ. Hoặc điển hình là ở tập 1 mùa 2, Instant hotel chúng ta được qua đêm là 1 căn nhà ở trong hầm mỏ đá quý, chúng ta cũng thấy được họ có nhiều good review về phong cách, về bố trí nhưng bị mất điểm vì thiếu “bidet”. Show cũng hiện đang được chiếu trên Netflix.
Show phù hợp với: chủ khách sạn, căn hộ, nhà trọ…cho thuê ngắn hạn
3.HOTEL HELL

Như các bạn đã biết Gordon Ramsay nổi tiếng là đầu bếp có nhiều sao Michelin, cũng như các show truyền hình về các chương trình liên quan đến nấu ăn như Masterchef, Hell’s Kitchen, Kitchen Nightmare, … Nhưng không chỉ vậy, ông còn có một show liên quan đến ngành Khách sạn, đó là Hotel Hell nữa đó. Tuy vẫn mang tính chất khá drama, sử dụng “F Word” hơi nhiều đúng theo phong cách của Gordon Ramsay, nhưng show này không hoàn toàn chỉ là giải trí.
Trong suốt 3 mùa của chương trình, chúng ta sẽ cùng Gordon Ramsay đi giải cứu các khách sạn tư nhân nhỏ lẻ (small independent hotel), nơi đang trên bờ vực phá sản hoặc gặp những vấn đề nghiêm trọng về tình hình kinh doanh. Đây là một điểm đáng chú ý, vì ở Việt Nam chúng ta rất dễ gặp các mô hình kinh doanh khách sạn như thế này. Các gia đình có điều kiện đều muốn kinh doanh một khách sạn của riêng và không chịu thuê quản lý chuyên nghiệp mà tự quản lý. Đa phần chủ khách sạn nhỏ lẻ như thế này đều không có hoặc có ít kinh nghiệm quản lý hay kiến thức chuyên ngành mà chỉ quản lý theo ý thích của họ, dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình kinh doanh. Một số khuyết điểm chúng ta có thể dễ thấy là không chú trọng đến Customer Service, không quản lý được chi phí, không đầu tư đúng đắn về các sản phẩm trong khách sạn, quản lý mang nặng yếu tố cá nhân… Còn rất nhiều yếu tố mà nếu chúng ta kinh doanh hoặc quản lý khách sạn phải chú ý. Nên đây là một show khá ổn để có thể rút ra những bài học cho riêng mình.
Show phù hợp với: chủ, quản lý hoặc người làm trong khách sạn vừa và nhỏ, khách sạn gia đình…nơi ít có kinh nghiệm quản lý chuyên nghiệp.
4.AMAZING HOTEL – LIFE BEYOND THE LOBBY

Ba show trước đa phần nói về các khách sạn nhỏ lẻ, thì đây là show về các khách sạn luxury nhé. Khi xem show, chúng ta sẽ theo chân hai chuyên gia để thực sự tham gia vào các vị trí vận hành các khách sạn luxury này. Hai chuyên gia này sẽ làm việc ở các vị trí như Housekeeping, Butler, Valet, Cook, Swimming Pool Attendant,… Từ đó chúng ta sẽ hiểu thêm về scope of work ở các khách sạn luxury khắp thế giới.
Không chỉ có vậy, chúng ta sẽ biết thêm về cách công nghệ được áp dụng vào ngành khách sạn đặc biệt là khách sạn luxury. Ví dụ như trong tập về Marina Bay Sands ở Singapore, chúng ta có thể thấy được cách họ quản lý đồng phục hoàn toàn là nhờ vào công nghệ như thế nào. Cũng như khi muốn trở thành một Butler chuyên nghiệp, chúng ta cần phải chuẩn bị tâm lý, kỹ năng như thế nào. Trong show cũng có nhắc đến, một Vip đã yêu cầu butler tổ chức một đám cưới trong vòng 4 tiếng..
Theo ý kiến cá nhân thì đây là show đáng xem nhất trong loạt các show truyền hình về ngành khách sạn hiện nay, vì đâu mấy khi chúng ta được trải nghiệm & học hỏi từ các khách sạn chuyên nghiệp tầm cỡ thế giới, không chỉ với góc nhìn khách hàng mà còn với tư cách là nhân viên và những người “đằng sau cánh gà” như vậy. Show đang được chiếu trên Netflix.
Show phù hợp với: những người mong muốn, đã và đang làm việc trong các tập đoàn khách sạn chuyên nghiệp
BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH NÀY?
Dù từng chương trình bên trên đã được phân loại cho những đối tượng khán giả phù hợp, ở những mảng khác nhau trong ngành, tuy nhiên Hotel Briefing vẫn khuyên các bạn nếu có thời gian thì hãy xem qua hết, mỗi chương trình vài tập. Những người đi làm hơn chục năm như chúng tôi mà còn phải tấm tắc và nhận thấy giá trị học hỏi của chúng, thì các bạn đừng nên bỏ qua nhé. Huống hồ, chúng lại hầu như không đắt đỏ chút nào.
Để tôi chia sẻ cho các bạn về những gì mà tôi học được hoặc xác nhận lại qua các chương trình này nha:
- Ở những khách sạn vừa và nhỏ hay căn hộ, không phải chỉ Việt Nam mà tại trời Tây đi chăng nữa, thì việc chủ sở hữu không có nhiều kinh nghiệm quản lý chuyên nghiệp và mắc phải những lỗi trong quá trình thiết kế đến vận hành property của mình là phổ biến
- Chủ hay người quản lý, trong mọi trường hợp, đều nên cố gắng hạn chế áp cái tôi cá nhân của mình vào property mà phải hiểu là ngoài kia, khách hàng có thể luôn có những needs and wants khác biệt, những expectation đa dạng
- Ở chương trình Amazine Hotel – Life Beyond The Lobby, tôi xem và khâm phục cách những khách sạn khổng lồ được vận hành chuyên nghiệp nhờ công nghệ và con người ra sao. Qua đó, hiểu rằng luôn có những cách để chúng ta phát triển và tiến bộ, cũng như nhắc nhở bản thân luôn cập nhật những thông tin và kiến thức, kinh nghiệm thực tế từ ngành.
Tôi xin dừng bài tại đây. Chúc các bạn một ngày vui vẻ và hy vọng Hotel Briefing Blog đã giúp thắp lửa cho đam mê của ngành trong lòng bạn nhé. Have fun watching!
Link đến media kit và thông tin tổng quan của các đầu báo, tạp chí:
https://www.huffingtonpost.ca/denette-wilford/hotel-hell-review_b_5605843.html
[…] Briefing đã có chia sẻ một bài những show truyền hình về F&B và show truyền hình về Hotel, các bạn tham khảo […]
ThíchThích