Chiều ngày 25.9 vừa qua, Khoa Hospitality and Tourism (Quản trị Du lịch và Khách sạn) của trường Đại Học Kinh Tế – Tài Chính Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi toạ đàm “Nghề Sales & Marketing Khách sạn – Cánh cửa rộng mở cho các tân cử nhân” với sự tham gia của của 2 diễn giả là chị Phương Ngọc – tác giả Hotel Briefing Blog cùng anh Lê Thanh Phong – giám đốc kinh doanh tập đoàn Banyan Tree tại Việt Nam.
Đến với buổi toạ đàm, 2 guest speaker đã chia sẻ kiến thức cũng như những kinh nghiệm thực tế nhằm giúp sinh viên có cái nhìn rõ hơn về công việc của bộ phận Sales & Marketing trong khách sạn, từ đó đưa ra những định hướng phát triển cho tương lai.






BUỔI TOẠ ĐÀM DIỄN RA VỚI 2 CHỦ ĐỀ:
- Làm Sales & Marketing trong khách sạn là làm gì.
- Kiến thức & kỹ năng cần trang bị khi làm trong bộ phận Sales & Marketing của khách sạn.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành, anh Lê Thanh Phong từng đảm nhiệm nhiều vị trí trong bộ phận Sales của các khách sạn thuộc tập đoàn lớn như Intercontinental Nha Trang, JW Marriott Phu Quoc, Le Meridien Saigon và một số resort tư nhân trong nước. Anh hiện đang là Director of Sales của Resort Banyan Tree Lăng Cô tại Việt Nam – một thương hiệu khách sạn quốc tế quản lý và phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và spa ở Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi và Trung Đông của Singapore.

Trong buổi toạ đàm, anh Phong chia sẻ các định nghĩa về ngành Sales trong khách sạn, lộ trình thăng tiến cũng như các kĩ năng cần thiết khi lựa chọn ngành này, đồng thời nhấn mạnh: “Bộ phận Sales cũng như tất cả các bộ phận khác trong khách sạn đều là những mắt xích quan trọng phối hợp với nhau để đảm bảo khách sạn luôn hoạt động hiệu quả”.
“Bộ phận Sales cũng như tất cả các bộ phận khác trong khách sạn đều là những mắt xích quan trọng phối hợp với nhau để đảm bảo khách sạn luôn hoạt động hiệu quả”.
Trở lại với tác giả của Hotel Briefing Blog, chị Ngọc đã cùng thảo luận với sinh viên và lắng nghe các bạn nêu lên hiểu biết của mình về ngành khi được hỏi: “Làm Marketing trong khách sạn là làm gì?”. Nhận thấy các bạn sinh viên còn khá bỡ ngỡ với công việc thực tế của bộ phận này, chị Ngọc đã có những chia sẻ sâu hơn về phạm vi công việc (scope of work) của một phòng Marketing & Communication dựa trên mô hình khách sạn 5 sao mang thương hiệu quốc tế ở Việt Nam. Chủ đề này cũng đã được chị Ngọc phân tích chuyên sâu trong các bài viết trên Hotel Briefing Blog. Mời bạn tham khảo bài viết tại đây.
Không chỉ dừng lại ở các phạm vi công việc kể trên, phòng Marketing đôi khi còn nhận được những request rất bất chợt, chị Ngọc chia sẻ:
“Một trường hợp hiếm khi xảy ra là một lần Owner của khách sạn request một món quà thủ công làm hoàn toàn bằng tay để tặng cho khách hàng VIP, vậy là tối thứ Sáu sau giờ làm cả phòng Marketing đã phải chạy khắp thành phố để tìm các nguyên liệu trang trí, tỉ mỉ ghim từng bông hoa, cành lá để có thể hoàn thành trước sáng thứ Hai và gửi cho Owner. Những công việc như vậy không phải là công việc của Marketing cũng như không ảnh hưởng đến đánh giá cuối năm của bạn trong khi bạn vẫn phải hoàn thành những công việc khác, nhưng nó thể hiện liệu bạn có đủ đam mê, đủ chú tâm và tận tuỵ để theo đuổi ngành này hay không. Điều Ngọc muốn nói ở đây, dù Marketing là bộ phận hiếm hoi trong khách sạn làm theo giờ hành chính, ngành này vẫn có những cái “mệt” và áp lực riêng. Ngọc mong là các bạn sẽ luôn cố gắng hết sức rồi đến một lúc khi những đóng góp của bạn được nhìn nhận, khi khách hàng nêu đích danh bạn và dành lời khen, lời cảm ơn đến bạn, bạn sẽ cảm thấy mọi nỗ lực trước đó là hoàn toàn xứng đáng”.

Trong buổi toạ đàm, sinh viên sôi nổi trao đổi với 2 khách mời và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp. Trong đó những câu hỏi “Rủi ro khi làm Marketing trong khách sạn là gì?”, “Liệu làm sai có bị phạt, bị đuổi việc hay không?” được nhiều bạn quan tâm. Để trả lời cho vấn đề này, chị Ngọc đã có những chia sẻ rất thẳng thắn được đúc kết từ kinh nghiệm làm việc thực tế:
“Những sai lầm khi làm Marketing tưởng chừng là rất nhỏ từ việc layout sai chính tả, sai thông tin, dấu chấm, dấu phẩy nhưng hậu quả nếu nhẹ thì bạn đền tiền in lại, nặng thì cả campaign sẽ bị tổn hại hoặc có khi phải huỷ bỏ toàn bộ. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn làm layout sai chính tả thì bạn sẽ bị trách phạt hay bị đuổi việc. Nếu chỉ kí một tờ biên bản warning và mọi lỗi lầm của bạn được quên đi thì đã quá dễ dàng. Thực chất là bạn sẽ không làm sao hết, nhưng những lần sau cấp trên sẽ không còn tin tưởng bạn như lúc đầu nữa, bạn sẽ phải cố gắng hết sức mình chứng tỏ bản thân để có lại được niềm tin từ sếp. Hơn nữa khi sai sót xảy ra trong nội bộ, lỗi đó có thể là của bạn hoặc thậm chí không phải của bạn đi chăng nữa như việc graphic gõ sai hoặc do lỗi font. Nhưng bạn không check lại thì lỗi sai vẫn là ở bạn. Và cấp trên nhìn vào, GM nhìn vào thì cho rằng lỗi này thuộc về ai?”
Chị dừng một chút để sinh viên có thời gian tự tìm ra đáp án, rồi chị tiếp lời:
“Đây là lỗi của Manager, luôn luôn là vậy. GM sẽ không mắng tới các bạn, họ chỉ mắng người phụ trách toàn bộ campaign là sếp bạn mà thôi. Đó là lí do vì sao sau này sếp bạn sẽ ít tin tưởng bạn lại, ít giao những cơ hội quan trọng cho bạn và bạn sẽ phải work really hard để có lại những điều đó”.
Ngoài ra còn có câu hỏi về các kỹ năng mềm cần chuẩn bị khi làm Sales & Marketing trong khách sạn, chị Ngọc đã có một bài viết chi tiết về các kỹ năng này trên Hotel Briefing Blog. Mời bạn đọc bài viết tại đây.

Để nhận thông báo về những bài viết mới nhất của Hotel Briefing Blog, vui lòng để lại email của bạn vào ô bên dưới: